(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022 là tròn 17 năm Chính phủ ban hành Nghị định thành lập TP.Quảng Ngãi và đánh dấu cột mốc 7 năm thành phố được công nhận đô thị loại II. Diện mạo đô thị TP.Quảng Ngãi đã có những đổi thay đáng kể, nhưng so với kỳ vọng của người dân và yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới thì vẫn còn nhiều hạn chế.
[links()]
Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông
Kể từ khi lên đô thị loại II, TP.Quảng Ngãi đã có thêm nhiều động lực để phát triển toàn diện, đặc biệt là phát triển mạnh về hạ tầng giao thông đối ngoại, gắn kết với các tỉnh, thành phố khác theo hướng bắc - nam và đông - tây. Trong 7 năm qua, thành phố phát triển thêm 410km giao thông đối ngoại, trong đó có 275km quốc lộ (QL); 25km đường cao tốc và các tuyến nhánh của QL 1 gồm QL 24, QL 24B, QL 24C. Mới đây, tỉnh đã tiếp tục triển khai thi công tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng), đi qua các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và TX.Đức Phổ, để từ đây kết nối với các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung. Đồng thời, thống nhất chủ trương vào năm 2023, đầu tư đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (dự kiến tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng), kết nối TP.Quảng Ngãi với huyện Bình Sơn và sân bay Chu Lai (Quảng Nam).
Đường Trường Sa - điểm nhấn của đô thị TP.Quảng Ngãi. Ảnh: Bùi Thanh Trung |
Đặc biệt, thành phố đã được đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng, đưa vào sử dụng 4 cây cầu bắc qua sông, tạo thuận lợi trong lưu thông và cải tạo mỹ quan trong khu vực, gồm: Thạch Bích, Cổ Lũy, An Phú và Hưng Nhơn.
Hạ tầng thoát nước còn nhiều bất cập
Đối với hệ thống thoát nước, dù đã 17 năm kể từ ngày lên thành phố, nhưng TP.Quảng Ngãi hiện chỉ có hệ thống thoát nước chung, tổng chiều dài 58km và 33km kênh thoát nước hở, rãnh thoát nước... Nước thải hiện nay của thành phố (gồm nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp) chủ yếu theo hệ thống cống thoát ra 2 con sông là Trà Khúc và Bàu Giang. Tuy nhiên, do đầu tư không đồng bộ và tình trạng một số sông, kênh, hồ tự nhiên ngày càng bị bồi lấp, thu hẹp; nhiều tuyến cống xây dựng dở dang, chưa đấu nối được với các công trình đầu mối, dẫn đến nước thoát không kịp, gây tình trạng ngập lụt trong lòng đô thị.
Hiện nay, thành phố có 2 hồ điều hòa là Nghĩa Chánh (phường Nghĩa Chánh) và Bàu Cả (phường Lê Hồng Phong), làm nhiệm vụ thoát nước mưa cho thành phố. Tuy nhiên, nói về 2 hồ điều hòa này, ông Lê Hồng Quân, ở đường Nguyễn Du (phường Nghĩa Chánh) cho rằng, hệ thống thoát nước của 2 hồ được đầu tư, nhưng chưa phát huy hết tác dụng, do bị bồi lắng quá lớn. Hơn nữa, lượng nước thải vào hồ chưa qua xử lý, gây tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là thời điểm nắng nóng bốc mùi hôi. Mặt khác, do không được duy tu, vệ sinh nên rác thải và côn trùng sinh sôi rất nhanh, gây ô nhiễm nặng.
Hồ điều hòa Nghĩa Chánh (phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) bị bồi lấp nghiêm trọng, dẫn đến năng lực tiêu thoát nước kém hiệu quả. |
Tình trạng thoát nước mưa còn nhiều bất cập, dẫn đến thành phố luôn phải đối mặt với tình trạng ngập nước mỗi khi mưa lớn. Hiện tại, thành phố đã xây dựng tuyến đê bao dọc hai bờ sông Trà Khúc để chống lũ. Tuy nhiên, sông Bàu Giang chưa có đê kè, nên khi lũ về, nước tràn vào thành phố, gây ngập sâu, như mùa mưa năm 2021 vừa qua. Trong khi đó, những tuyến đường chính, khi xây dựng, thiết kế có cống thoát nước, nhưng hầu như không phát huy khả năng tiêu thoát nước. Nguyên nhân được UBND TP.Quảng Ngãi lý giải là do lâu ngày không được nạo vét, rồi một số tuyến cống chưa được đấu nối với công trình thoát nước, nên bị tắc nghẽn.
Riêng nước thải, hiện vẫn thoát chung hệ thống với nước mưa. Ở những nơi chưa có hệ thống thoát nước chung thì nước mưa và nước thải thoát tự nhiên vào kênh, mương, sông... trong khu vực. Còn nước thải công nghiệp, hiện KCN Quảng Phú đã được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải tập trung, công suất 4.500m3/ngày, đêm, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu...
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng cho rằng, việc thiếu hệ thống thoát nước, nhất là nước thải, dẫn đến ngập, ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Do đó, thành phố cần tập trung xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường, để giảm thiểu tác hại đến cuộc sống nhân dân.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Anh, việc đầu tư hạ tầng thoát nước cần nguồn kinh phí rất lớn, thành phố không có đủ nguồn lực để bố trí. Vì vậy, thành phố mong tỉnh có phương án hỗ trợ, để triển khai các công trình, dự án nhằm đảm bảo môi trường, đáp ứng các tiêu chí đô thị.
Huy động nhiều nguồn lực để phát triển
Mới đây, UBND TP.Quảng Ngãi đã lập dự án Xây dựng phát triển hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng vốn đầu tư khoảng 4.150 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2028. Vấn đề này đã được UBND tỉnh thống nhất và có văn bản đề xuất lên Bộ Tài chính. Dự án gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1 là xây dựng hệ thống thoát nước mưa kết hợp kè chống sạt lở cho sông, kênh hiện trạng và cải tạo các hồ trên địa bàn TP.Quảng Ngãi (xây dựng khu đê bao sông Bàu Giang, các tuyến cống thu gom cùng hồ điều hòa Yên Phú và Nhà máy Xử lý nước thải nam sông Trà Khúc). Hợp phần 2 là xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải (khu trung tâm lõi thành phố, thuộc lưu vực sông Trà Khúc, sông Bàu Giang, 2 nhà máy xử lý nước thải). Hợp phần 3 là xây dựng tuyến đường trục chính (nối từ QL 1 đến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh).
Một đoạn đường Triệu Quang Phục, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) mới được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng. |
Vị trí chiến lược
Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Thành phố có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế và là trung tâm kết nối với các khu vực trong vùng và cả nước qua trục giao thông QL 1, QL 24, QL 24B, Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cao tốc Bắc - Nam phía đông, sân bay Chu Lai. Đặc biệt, TP.Quảng Ngãi còn là hậu phương quan trọng cho KKT Dung Quất, kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm khác nằm trong khu vực miền Trung.
|
'
Bài, ảnh:
THANH NHỊ