Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Cần giải pháp bền vững

03:05, 14/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khai thác quá mức, sử dụng các phương tiện, ngư lưới cụ đánh bắt kiểu tận diệt là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi thủy sản (NLTS) ngày càng cạn kiệt. Để bảo vệ, phát triển NLTS và hệ sinh thái biển cũng như ổn định sinh kế cho ngư dân, tỉnh ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
 
[links()]
 
Nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt  
 
Toàn tỉnh hiện có 1.600 tàu hành nghề lưới kéo (giã cào). Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, tàu hành nghề lưới kéo chỉ được khai thác hải sản ở vùng biển cách bờ từ 6 hải lý trở ra, riêng tàu có công suất từ 90CV trở lên phải đánh bắt ở vùng khơi. Quy định là vậy nhưng thực tế nhiều tàu hành nghề lưới kéo hoạt động sai vùng, tuyến, thậm chí tàu công suất lớn vẫn ngang nhiên khai thác hải sản ở vùng lộng hoặc ven bờ. Điều này không chỉ làm cạn kiệt NLTS mà còn gây hiểm họa cho những tàu cá của ngư dân khai thác hải sản ven bờ theo phương thức truyền thống.
 
Lực lượng chức năng kiểm tra ngư lưới cụ trên tàu cá neo đậu tại cảng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).                                                         Ảnh: M.HOA
Lực lượng chức năng kiểm tra ngư lưới cụ trên tàu cá neo đậu tại cảng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: M.HOA
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nhiều tàu hành nghề lưới kéo công suất lớn không thực hiện đăng ký xuất, nhập bến tại các cảng cá, viết số đăng ký không đúng, hoặc cố ý làm mờ số để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Nhiều tàu có chiều dài từ 12m trở lên chỉ đăng ký xuất, nhập bến chứ không thực hiện việc ghi và nộp Sổ nhật ký khai thác thủy sản. Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết, nhiều tàu hành nghề lưới kéo không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng khi vào cảng bán sản phẩm. Những tàu cá chưa có đầy đủ giấy tờ thường ra, vào cảng lúc nửa đêm, hoặc không chấp hành quy định báo trước 1 giờ cho đơn vị chức năng.
 
Cùng với đó, tình trạng sử dụng xung điện, ngư lưới cụ không đúng quy định để đánh bắt thủy sản vẫn còn diễn ra. Dù biết đánh bắt như vậy sẽ làm cạn kiệt NLTS và gây hiểm họa cho ngư dân khai thác ven bờ, nhưng vì lợi nhuận cao từ nghề lưới kéo, đánh bắt thủy sản bằng xung điện, kích điện nên nhiều ngư dân vẫn bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng, ngang nhiên vi phạm. Điều này khiến nhiều loài hải sản ven bờ có giá trị kinh tế cao ngày càng cạn kiệt, dẫn đến nhiều mô hình nghề cá truyền thống như: Nghề lưới vây ở xã Bình Đông (Bình Sơn), nghề lưới rùng ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), nghề thả chà dắt, nghề dùng đèn đánh bắt mực ven bờ ở xã Đức Minh (Mộ Đức)... dần mai một. “Khoảng chục năm trước, một mẻ lưới rùng có thể kéo được vài tạ cá, nhưng bây giờ kiếm vài chục ký cá đã khó. Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Do đó, không mấy ai theo nghề lưới rùng”, ngư dân Nguyễn Xích, ở xã Tịnh Kỳ, lý giải.
 
Nghề dùng đèn để đánh bắt mực ven bờ của ngư dân xã Đức Minh (Mộ Đức) ngày càng ít vì sản lượng mực giảm.
Nghề dùng đèn để đánh bắt mực ven bờ của ngư dân xã Đức Minh (Mộ Đức) ngày càng ít vì sản lượng mực giảm.
Cần quản lý, khai thác hiệu quả hơn
 
Những tàu hành nghề lưới kéo hoạt động không theo quy định, hoặc sử dụng ngư lưới cụ có tính hủy diệt không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái biển và làm cạn kiệt NLTS, mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vì vậy, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh tăng cường kiểm soát hoạt động của tàu cá trên địa bàn, nhất là việc đăng ký xuất, nhập bến của tàu giã cào. Đồng thời, phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các cửa biển, nhằm phát hiện và xử lý những tàu cá không đầy đủ giấy tờ. Toàn tỉnh hiện còn 1.220 tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản, trong đó có 775 tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 15m và 445 tàu cá từ 15m trở lên.
 
Mỗi ngày, ngư dân ở phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) chỉ bắt được 2 - 3kg cá mối ở vùng biển ven bờ, thay vì 10 - 15kg như trước đây. Ảnh: X.Hiếu
Mỗi ngày, ngư dân ở phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) chỉ bắt được 2 - 3kg cá mối ở vùng biển ven bờ, thay vì 10 - 15kg như trước đây. Ảnh: X.Hiếu
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho rằng, cùng với công tác tuyên truyền, khuyến khích ngư dân chủ động tham gia bảo vệ NLTS, không khai thác kiểu tận diệt, chi cục sẽ kiến nghị Tổng cục Thủy sản ban hành quy định nghiêm ngặt về việc khai thác thủy sản, cụ thể như quy định kích cỡ đánh bắt, vùng đánh bắt. Khi phát hiện tàu cá vi phạm, lực lượng chức năng kiên quyết không cho xuất bến và xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, việc giảm số lượng tàu đánh bắt thủy sản ven bờ, vùng lộng cũng như nghiên cứu “cấm biển” trong một thời gian nhất định, cấm không cho khai thác ven bờ cũng là một trong những giải pháp căn cơ để phát triển NLTS. Muốn thực hiện điều này, cần phải có chính sách hỗ trợ cho ngư dân có tàu đánh bắt gần bờ trong thời gian họ dừng hoạt động. Cùng với đó, các địa phương ven biển, cơ quan chức năng cần quy hoạch, sắp xếp lại nghề khai thác biển theo hướng nâng cao tính hiệu quả, bảo vệ NLTS, xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản. 
 
Hiện nay, dự án Điều tra, đánh giá NLTS ven bờ và nghề cá thương phẩm tỉnh Quảng Ngãi đã được triển khai thực hiện. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, sau khi hoàn thành điều tra, đánh giá NLTS vùng biển ven bờ của tỉnh, ngành sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về NLTS phục vụ cho việc quản lý và khai thác có hiệu quả, bền vững; hoàn thành cấp hạn ngạch khai thác, điều chỉnh và sắp xếp cơ cấu nghề cá phù hợp với khả năng khai thác, dự báo ngư trường khai thác. Qua đó, góp phần khắc phục thẻ vàng, hướng đến phát triển nghề cá trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, có trách nhiệm.
 
Dự án Điều tra, đánh giá NLTS ven bờ và nghề cá thương phẩm tỉnh hiện đã hoàn thành việc đánh giá tổng hợp tài liệu, dữ liệu lịch sử về điều tra NLTS ở vùng biển ven bờ, vùng lộng và hệ sinh thái cửa sông ven biển tỉnh, giai đoạn 2000 - 2019. Đồng thời,  hoàn thành khối lượng công việc ngoài thực địa trong điều tra, đánh giá hiện trạng NLTS ở vùng biển ven bờ và hệ sinh thái cửa sông tỉnh; thu thập dữ liệu, xác định cơ sở khoa học cho việc bảo vệ NLTS vùng biển trong tỉnh… Tổng kinh phí thực hiện đến nay gần 1 tỷ đồng. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục phân tích, xử lý số liệu, xây dựng và báo cáo chuyên đề để có đánh giá tổng hợp và đề xuất các giải pháp quản lý nghề cá một cách bền vững.
 
M.HOA-X.HIẾU
 
 

.