Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

03:11, 08/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nguồn vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
[links()]
 
Nhiều dự án phát huy hiệu quả
 
Nguồn vốn ODA tại Quảng Ngãi được trung ương phân bổ từ 200 - 450 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2021,  tổng kế hoạch vốn được sử dụng gần 380 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn giao đầu năm trên 232 tỷ đồng, vốn kéo dài từ năm 2020 sang là hơn 146 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh ưu tiên đầu tư cho những dự án mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tập trung chủ yếu là dự án phát triển năng lượng nông thôn vùng khó, các dự án kè chống sạt lở, lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường, y tế cộng đồng, bảo vệ rừng, giảm nghèo... Các dự án đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.
 
Kè sông Trà Câu (TX.Đức Phổ) xây dựng từ nguồn vốn ODA chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất, nhà cửa của người dân trong vùng dự án.
Kè sông Trà Câu (TX.Đức Phổ) xây dựng từ nguồn vốn ODA chống sạt lở bờ sông, bảo vệ đất sản xuất, nhà cửa của người dân trong vùng dự án.
Đơn cử như dự án xây dựng kè chống sạt lở dọc sông Vệ, thuộc địa phận huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và kè sông Trà Câu (TX.Đức Phổ), sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy mục tiêu bảo vệ đất sản xuất, tài sản, tính mạng của nhân dân trong vùng. Bà Nguyễn Thị Huệ, ở tổ dân phố Vạn Mỹ, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) cho biết, mưa lớn vừa rồi, nước sông Vệ dâng cao, chảy mạnh, nếu không có kè bảo vệ thì nhà ở của người dân xung quanh khu vực này rất có thể đã bị cuốn trôi. Hơn nữa, xây dựng kè xong thấy khu vực thị trấn khang trang, sạch đẹp hơn hẳn.
 
Riêng dự án đưa điện về vùng khó khăn thuộc 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ, do Sở Công thương làm chủ đầu tư, hiện đã hoàn thành một số hạng mục, đóng điện phục vụ người dân, góp phần thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân là đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy phát triển sản xuất. Hay như các dự án y tế cộng đồng đã thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch Covid-19...
 
Khai thông việc thu hút vốn ODA
 
Trong khi nhiều tỉnh, thành phố tận dụng nguồn vốn ODA để đầu tư hạ tầng đô thị, đặc biệt là TP.Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam... thì tại Quảng Ngãi, những năm qua hầu như chưa thu hút nguồn ODA vào lĩnh vực này. Việc chưa tận dụng được nguồn lực ODA để đầu tư hạ tầng đô thị đã bỏ lỡ cơ hội tốt để hoàn thiện hạ tầng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hút khách du lịch. Năm 2015, Quảng Ngãi có đăng ký đầu tư hệ thống thoát nước của TP.Quảng Ngãi từ nguồn tài trợ của Chính phủ Pháp, tổng số tiền 500 tỷ đồng, nhưng sau đó có vướng mắc, không triển khai được.
 
Triển khai thi công xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Vệ từ nguồn vốn ODA.
Triển khai thi công xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Vệ từ nguồn vốn ODA.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi rất cần huy động nguồn vốn ODA để đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhằm tiếp tục đưa tỉnh phát triển toàn diện, bền vững. Tuy nhiên, việc vận động nguồn vốn này hiện có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với giai đoạn trước đó, do Việt Nam không được tiếp tục nhận tín dụng bao cấp qua chương trình IDA của Ngân hàng Thế giới (WB). Điều này đồng nghĩa Việt Nam phải chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa trên hỗ trợ nước ngoài, sang nền kinh tế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giảm bớt lệ thuộc vào sự tài trợ từ bên ngoài.
 
Nói về việc thu hút nguồn vốn ODA trong hiện tại và tương lai, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, thời kỳ dễ dàng đã qua, giờ rất khó để thu hút nguồn ODA. Ngoài sự thay đổi cơ chế hỗ trợ, thì việc tác động của tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị ODA hoàn lại đang có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang quyết tâm bám sát chỉ đạo của Chính phủ về định hướng thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đến năm 2025, để đề ra giải pháp phù hợp đối với nguồn vốn này. Nếu vận động được, tỉnh sẽ chỉ sử dụng vốn ODA với vai trò là "chất xúc tác" cho các nguồn vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư tư nhân.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.