Xây dựng nông thôn mới: Điều chỉnh về nguồn lực

08:10, 04/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 25/2021, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ có giải pháp thực hiện xây dựng NTM trong thời gian đến.
[links()]
 
Đến thời điểm này, ngoài 21,2 tỷ đồng kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh cũng phân khai vốn ngân sách địa phương năm 2021 (vốn xổ số kiến thiết) khoảng 72 tỷ đồng, để hỗ trợ 5 xã đăng ký về đích NTM năm 2021, gồm các xã: Bình Hải, Bình Thuận, Bình Chánh (Bình Sơn); Phổ Nhơn, Phổ Khánh (TX.Đức Phổ). 
 
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, các địa phương tính toán thực lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nhất là tiêu chí cần vốn lớn như giao thông.
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, các địa phương tính toán thực lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nhất là tiêu chí cần vốn lớn như giao thông.
Với các xã đăng ký NTM nâng cao chưa được hỗ trợ kinh phí, vì ngân sách trung ương chưa phân bổ; trong khi tỉnh đang tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đã hướng dẫn và khuyến khích các địa phương chủ động thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao bằng nguồn ngân sách địa phương. “Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, các địa phương chủ động tính toán, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng NTM năm 2021 và các năm tiếp theo. Đối với nguồn lực đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025, Văn phòng sẽ kiến nghị Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh làm rõ từng nguồn từ trung ương đến địa phương, gắn với các chỉ tiêu NTM cụ thể”, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết.
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi nguồn thu giảm, nên nếu tiếp tục nâng mức cân đối ngân sách thực hiện chương trình xây dựng NTM, thì địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, chỉ số ít địa phương có thể huy động nguồn lực từ người dân, sự đóng góp của cộng đồng và doanh nghiệp, còn hầu hết đều phụ thuộc vào ngân sách. Đó là chưa kể, cơ sở hạ tầng, hệ thống sản xuất của những xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2021 nói riêng, giai đoạn 2021 - 2025 nói chung, kém hơn các xã giai đoạn 2016 - 2020, nên cần nguồn lực đầu tư lớn hơn. 
 
Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung, để giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương, nhưng vẫn bảo đảm nguồn lực thực hiện xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh đề xuất, nguồn lực cần được hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên về mục tiêu, đảm bảo phù hợp với việc cân đối nguồn vốn của địa phương, sự đóng góp của người dân và cộng đồng. Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM đảm bảo nguyên tắc “NTM là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”.
 
Mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, nên nguồn lực cần chú trọng tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm tính kết nối giữa các vùng, miền; đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ sinh kế, tạo công ăn việc làm... nhằm đảm bảo an sinh xã hội ở các xã đạt dưới 15 tiêu chí. Ngoài ra, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân, để họ yên tâm sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, góp phần duy trì bền vững các chỉ tiêu NTM, hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
 
Cùng với đó, chương trình cần quan tâm đến vấn đề sinh kế cho người nghèo, khảo sát các vùng có thế mạnh, tránh đầu tư dàn trải, tiếp cận thông tin, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết bị, để người dân tiếp cận tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.