(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Sơn Tây đã tổ chức trồng thử nghiệm 12ha cây mắc ca tại một số xã trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất khá. Từ những thành công ban đầu, huyện Sơn Tây đang có chủ trương phát triển cây mắc ca lên 200ha.
[links()]
Mắc ca là loại cây rất “kén” đất và khí hậu nên không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được. Tuy nhiên, loại cây này khi chọn được vùng đất phù hợp trồng thì có thể nhân rộng và sau khi được hướng dẫn, người dân nào có nhu cầu cũng đều trồng được, vì kỹ thuật trồng loại cây này không khó. Trên địa bàn huyện Sơn Tây, sau khi trồng thử nghiệm 6ha từ dự án tại các xã Sơn Liên, Sơn Bua, Sơn Long và người dân tự trồng 6ha, thì cây mắc ca ở đây đã cho năng suất cao hơn so với nhiều vùng trồng ở Tây Nguyên.
Huyện Sơn Tây được đánh giá là vùng đất phù hợp để trồng cây mắc ca. |
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của huyện Sơn Tây chủ yếu là dựa vào các loại cây trồng như cau, keo, mì... Ngoài cây cau những năm gần đây có giá bán cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, thì cây keo, mì có năng suất thấp, không bền vững. Đặc biệt, với sự phát triển ồ ạt của cây keo nguyên liệu sẽ đem lại nhiều hệ lụy như thoái hóa đất, tạo ra sự biến động về tỷ lệ độ che phủ rừng qua từng năm, gây nên hiện tượng lũ ống, lũ quét theo các tuyến đường mở để vận chuyển keo.
Trong khi đó, cây mắc ca được xác định là cây lâm nghiệp đa mục tiêu, tuổi thọ dài trên 100 năm nên phù hợp cho việc chuyển đổi một số diện tích đất rừng sản xuất đang trồng keo nguyên liệu sang trồng mắc ca, góp phần thực hiện hiệu quả đề án cây gỗ lớn, tăng độ che phủ rừng bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Huyện Sơn Tây hiện có nhiều diện tích đất quy hoạch cho rừng phòng hộ, nhưng là nương rẫy của người dân, nên việc phát triển cây mắc ca sẽ giúp họ sử dụng có hiệu quả diện tích đất và giữ vững chức năng phòng hộ theo quy hoạch.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân, cây mắc ca sau khi trồng thử nghiệm tại địa phương đã đem lại những kết quả triển vọng. Việc phát triển cây mắc ca ở huyện sẽ góp phần chuyển đổi, thay thế bớt diện tích cây keo, mì có giá trị kinh tế thấp, sang loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo hướng đi mới bền vững trong phát triển nông-lâm nghiệp của địa phương; đồng thời mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.
Khó khăn trong sơ chế, đóng gói
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, đây là năm thứ 2 cây mắc ca được trồng trên đất Sơn Tây cho quả. Việc trồng và thu hoạch mắc ca tại địa phương rất thuận lợi. Tuy nhiên, do không có máy sấy, máy đóng gói nên sau khi thu hoạch xong, người dân phải gửi lên Tây Nguyên để sơ chế, đóng gói bằng phương pháp hút chân không, rồi mới bán ra thị trường. Cách làm này không chỉ mất thời gian, chi phí mà còn cho thấy địa phương chưa chủ động trong khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
|
Bài, ảnh: HỒNG HOA