(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều hộ dân sống ở khu vực ven biển xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã xây dựng ao nuôi tôm bằng gạch, xi măng ngay trong vườn nhà, rồi khoan giếng lấy nước ngầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Việc làm này đang làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn, tác động xấu đến môi trường sinh thái của địa phương.
[links()]
Những năm gần đây, nuôi tôm sú dọc theo sông Kinh Giang (xã Tịnh Khê) liên tục bị dịch bệnh, nên người dân đã chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, thay vì nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và sử dụng nước biển để nuôi tôm, các hộ nuôi tôm lại “sáng kiến” xây dựng các ao nuôi tôm bằng gạch, xi măng kiên cố ngay trong vườn nhà, đồng thời lót bạt và sử dụng 100% nước ngầm từ các giếng khoan để nuôi tôm.
Đào ao nuôi tôm ngay trong vườn nhà và sử dụng 100% nước ngầm để nuôi tôm là mô hình được nhiều hộ dân ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) áp dụng từ nhiều năm nay. |
“Để tôm phát triển tốt, chúng tôi thường pha trộn nước ngọt vào nước mặn để nuôi tôm. Thành thử, để vừa có nước mặn, vừa có nước ngọt pha trộn đổ vào hồ tôm, tôi phải khoan trong vườn 6 cái giếng. Để lấy nước mặn thì khoan sâu 11 - 15m, còn nước ngọt, thì khoan cỡ 5 - 7m. Cứ giếng này cạn nước, thì lại khoan tiếp giếng khác. Chỉ nuôi một hồ cỡ 500m2 mà tốn kém tiền khoan giếng lắm”, ông N.R, một hộ nuôi tôm tại thôn Cổ Lũy (Tịnh Khê) chia sẻ.
Làm theo mô hình này, nhiều hộ dân đã tận dụng mọi diện tích đất trống trong vườn nhà để nuôi tôm. Vì thế, các ao nuôi đều có diện tích nhỏ, từ 100 - 500m2 nằm xen lẫn giữa khu dân cư. Chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 2km, tính từ cầu Kinh Giang về thôn Cổ Lũy, đã có gần 30 hồ tôm được xây dựng trong vườn và hơn 100 giếng khoan lấy nước mặn nuôi tôm. Theo tính toán của các hộ nuôi, bình quân mỗi vụ kéo dài từ 2,5 - 3 tháng, một ao nuôi tôm có diện tích 500m2 sẽ cần khoảng 150.000m3 nước ngầm.
Việc sử dụng nước ngầm để nuôi tôm ngay trong vườn nhà giúp người dân hạn chế được tình trạng tôm dịch bệnh vì theo họ, nước ngầm an toàn hơn tầng nước mặt tại sông Kinh Giang đang ngày càng bị ô nhiễm. Hơn nữa, việc nuôi tôm tại nhà như thế giúp người dân đỡ tốn thời gian đi lại, chăm sóc thuận tiện hơn so với nuôi tôm ven sông như trước đây. Thế nên, gần chục năm nay, dù nước ngầm tại khu vực ven biển xã Tịnh Khê đang ngày càng cạn kiệt và bị nhiễm mặn nặng vào các tháng mùa nắng, song người dân nơi đây vẫn tiếp tục khoan thêm giếng khai thác nguồn nước ngầm.
Việc khoan giếng để lấy nước mặn nuôi tôm và thải nước mặn từ ao nuôi ra sông Kinh Giang sẽ để lại nhiều hệ lụy về môi trường, khi đất và nước sông dần bị nhiễm mặn. Mặt khác, với việc khai thác nước ngầm quá mức phục vụ cho hoạt động nuôi tôm còn gây nên nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm tại khu vực ven biển này.
“Nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào nước giếng. Vài năm trở lại đây, vào mùa nắng, nước giếng cũng xuất hiện tình trạng nhiễm mặn. Nước ngọt dùng sinh hoạt không đủ. Trong khi đó, nhiều người lại thi nhau khoan giếng rồi bơm nước để nuôi tôm. Chúng tôi rất lo lắng về việc xâm nhập mặn và cạn kiệt nước ngầm”, ông N.T.V lo ngại.
Trước thực trạng người dân tự ý nuôi tôm ngay trong vườn nhà và khai thác tràn lan nguồn nước ngầm, chính quyền địa phương cần kiểm tra, ngăn chặn và thống kê cụ thể số hộ, diện tích, số giếng nước mặn để có hướng xử lý. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền đến người dân hệ lụy về môi trường của việc khoan giếng khai thác nước mặn và hướng dẫn người dân chuyển đổi sang mô hình kinh tế khác phù hợp hơn.
Bài, ảnh: Ý THU