Bất cập trong công tác quản lý tàu cá

02:12, 03/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 1.782 phương tiện tàu cá không đảm bảo giấy tờ, trong đó, 1.316 tàu cá hết hạn đăng kiểm, 466 tàu cá chưa thực hiện đăng kiểm theo quy định. Điều này không chỉ gây mất an toàn cho ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý tàu cá của địa phương.
[links()]
Rất nhiều tàu hoạt động chui
 
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, tình trạng tàu hết hạn đăng kiểm là do phương tiện bị hư hỏng, nằm bờ, ngư dân chuyển nghề đi làm ăn xa, hoặc tàu cá được mua đi bán lại nhiều lần. Chính vì vậy, công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản (KTTS) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn có nhiều tàu cá hoạt động thường xuyên, dù hết hạn đăng kiểm. 
Một trong những chiếc tàu không có giấy chứng nhận khai thác thủy sản và không đăng ký đăng kiểm.
Một trong những chiếc tàu không có giấy chứng nhận khai thác thủy sản và không đăng ký đăng kiểm.
Không chỉ tàu hết hạn đăng kiểm, toàn tỉnh hiện có 466 chiếc tàu “2 không”, đó là không có giấy chứng nhận KTTS và không đăng ký đăng kiểm. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, những tàu này có chiều dài dưới 12m, thuộc diện cải hoán từ phương tiện thuỷ nội địa tự phát, đóng mới hoặc mua lại. Hơn nữa, phần lớn các phương tiện hành nghề khai thác hải sản gần bờ, lại hành nghề cấm và ngư lưới cụ không đảm bảo quy định, nên ngư dân thường cố tình “né” thực hiện các thủ tục cấp giấy phép KTTS và đăng kiểm.
 
Đơn vị “gác cổng” việc xuất, nhập bến của các tàu cá là Trạm Kiểm soát biên phòng cho rằng, rất khó kiểm soát tàu hết hạn đăng kiểm, hoặc chưa có giấy phép KTTS. Bởi phần lớn những tàu này hoạt động vào ban đêm, ngư dân lại đi tắt ra biển qua các cửa sông nhỏ, nơi không có chốt của lực lượng biên phòng.
Theo Luật Thuỷ sản 2017, tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải thực hiện đăng kiểm, phương tiện có chiều dài từ 6m trở lên phải có giấy phép KTTS mới được hoạt động, để vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vừa nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá, nhất là công tác cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố trong quá trình hoạt động trên biển.
Tháo gỡ vướng mắc
 
Theo quy định, nếu ngư dân muốn cải hoán, đóng mới hay mua lại tàu, thì phải báo cáo Chi cục Thủy sản tỉnh và được sự chấp thuận bằng văn bản của đơn vị này. Tuy nhiên, phần lớn các tàu cá “3 không” đều không báo cáo Chi cục Thủy sản tỉnh, nên hiện giờ, muốn khôi phục lại hồ sơ, thủ tục đăng ký đăng kiểm và cấp giấy phép KTTS, thì theo Nghị định 42 của Chính phủ, chủ phương tiện phải nộp phạt 150 triệu đồng. Trong khi đó, chủ các phương tiện trên phần lớn là ngư dân hoạt động gần bờ, thu nhập bấp bênh. Chính vì vậy, nhiều trường hợp lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm, rồi để đó, vì ngư dân không có tiền để nộp phạt! Hơn nữa, qua kiểm tra thực tế, nhiều tàu cá có tên trên giấy tờ, nhưng thực tế đã bị hư hỏng nặng, không hoạt động hoặc được mua đi bán lại nhiều lần, nên không có các giấy tờ liên quan.
 
“Để tạo điều kiện cho ngư dân, cũng như thuận lợi cho cơ quan quản lý, chúng tôi đề xuất cấp trên miễn xử phạt vi phạm theo Nghị định 42 đối với những chủ phương tiện đã cải hoán, đóng mới hay mua lại tàu cá mà không có văn bản chấp thuận của Chi cục Thủy sản tỉnh; đồng thời, cho phép khôi phục văn bản chấp thuận để thực hiện đăng lý lần đầu đối với nhóm tàu này”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết.
 
Đối với 1.316 tàu hết hạn đăng ký đăng kiểm, trong số này có khoảng 500 chiếc nằm bờ, do hoạt động kém hiệu quả; 200 chiếc tàu hành nghề lưới kéo, mà ngư dân muốn thay đổi ngành nghề, nhưng vì lưới kéo là nghề cấm, nên phải đợi Bộ NN&PTNT cho phép. Ngoài ra, nhiều trường hợp ngư dân thực hiện đăng kiểm tàu cá ở các tỉnh, thành khác, nhưng không thông báo với Chi cục Thủy sản. Chính vì vậy, thời gian đến, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn ở các tỉnh, thành tổ chức rà soát, thống kê nắm chắc số lượng tàu trễ hạn đăng kiểm, để có hướng xử lý.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 

.