(Baoquangngai.vn)- Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại các thôn Thanh Long, An Tĩnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) có đất sản xuất nằm dọc bờ sông Vệ luôn thấp thỏm lo lắng tình trạng bờ sông bị xâm thực, sạt lở ngày càng nhiều, nhất là khi mưa lũ diễn biến phức tạp như hiện nay.
TIN LIÊN QUAN
Đi dọc phía Nam bờ sông Vệ, đoạn qua thôn Thanh Long, xã Đức Thắng, cách nơi 30 hộ dân sinh sống chừng 50m, chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn bị sạt lở có chiều dài khoảng 500m. Bờ sông đã hình thành cung sạt, mép lở ăn sâu vào nhiều diện tích đất nông nghiệp từ 10-15m; nhiều chỗ biến thành những vách đất dựng cao 2-3m chênh vênh, cứ mỗi đợt sóng mạnh là từng tảng đất màu mỡ lại đổ sập xuống sông.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân đã bị xóa sổ do nước sông Vệ cuốn trôi. |
Nếu khu vực này không được xây kè chống xói lở thì chỉ trong vài năm nữa diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm dọc bờ sông Vệ sẽ bị thu hẹp đáng kể. Trong khi, người dân nơi đây đều sống dựa vào canh tác ruộng và hoa màu trên đất ven sông, vì vậy vào mùa mưa lũ họ lại thấp thỏm, lo âu không biết vườn tược của mình sẽ bị dòng sông nuốt chửng lúc nào.
Ông Lê Tuấn Khả, một hô dân ở thôn Thanh Long, xã Đức Thắng lo lắng cho biết: "Ngày trước, khi tôi còn nhỏ thì bờ sông cách nhà cả gần cây số đi mãi mới đến. Bây giờ, bờ sông chỉ cách nhà khoảng vài chục bước chân.
Vào mùa mưa lũ, nước từ đầu nguồn sông Vệ đổ về, dòng nước chảy xiết nên tình trạng sạt lở ngày càng mạnh. Riêng sau cơn bão số 6 vừa qua, nước lũ đã cuốn trôi hàng chục m2 đất sản xuất. Người dân chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi nhìn từng tấc đất bị cuốn trôi mà không biết làm gì hơn. Nhiều bụi tre được dân làng trồng ven bờ sông để chống sói lở cũng bị sạt xuống sông".
Gia đình ông Khả có 1.000m2 đất sản xuất nằm ven sông, trên đó gia đình ông trồng keo, mỳ và một số hoa màu, cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Thế nhưng, qua từng mùa mưa lũ, diện tích đất sản xuất của gia đình ông lại bị xâm thực, sạt lở, nay chỉ còn khoảng 500m2 đất canh tác.
Còn tại thôn An Tĩnh, việc sạt lở đất không chỉ gây mất đất sản xuất, đất vườn của nhiều hộ dân mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 100 hộ dân nằm ở ven sông khiến họ lo sợ, nhất là mỗi khi lũ về. Như ông Trần Văn Bé, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp cho biết: "Trước đây bụi tre gia đình trồng ở trong vườn nhà, sau một năm, cơn bão số 6 vừa qua khiến đất sạt lở, bụi tre bật gốc và bị đẩy ra xa. Cứ đà này, chỉ vài năm nưa là sạt đến nhà ở".
Nhìn những bụi tre bị sụp xuống khỏi bờ, ông Bé bảo rằng, bây giờ người dân chỉ còn cách dùng dãy tre này để chống sạt lở trước mắt, không biết nó trụ được bao lâu nên nỗi lo mất đất sản xuất luôn thường trực.
Nhiều gốc tre được trồng để chống xói lở cũng bị nước sông xói gốc, sụp lần xuống sông. |
Ông Nguyễn Tấn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thắng, xác nhận: "Thôn Thanh Long là một trong 3 điểm sạt lở nặng nề nhất ở xã Đức Thắng (Mộ Đức). Năm 2019, được sự đầu tư khẩn cấp của Nhà nước, có làm kè 500m đoạn qua thôn cơ bản giải quyết được tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa nhân dân. Tuy nhiên, ở điểm đầu và cuối của kè thuộc thôn Thanh Long (500m), An Tĩnh (500m) vẫn chưa được kè kiên cố nên khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị lũ cuốn trôi. Theo thống kê, sau cơn bão số 6 vừa qua, địa phương có từ 500-800m2 đất sản xuất bị sạt lở, nghiêm trọng nhất là thôn Thanh Long (500m2).
Ông Ngô Văn Thanh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức, cho biết: Theo dự án chỉnh trị sông Vệ (đoạn từ xã Hành Tín Tây đến Cửa lở) đến năm 2025 do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đến nay huyện Mộ Đức đã được kè tại một số điểm sạt lở nghiêm trọng thuộc xã Đức hiệp, Đức Nhuận, Đức Lợi và Đức Thắng. Tuy nhiên, riêng ở Đức Thắng, công trình mới chỉ thực hiện được gần 500m nên dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở, cuốn trôi.
UBND huyện đã có văn bản báo cáo để Sở NN&PTNT và UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hoặc kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng kè sông kiên cố; khắc phục kịp thời các điểm sạt lở nói trên để giúp người dân an tâm sản xuất.
Bài, ảnh: Thủy Tiên