Dự trữ hàng hóa thiết yếu mùa mưa, bão

10:10, 25/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với phương châm “không để dân thiếu ăn, chịu rét” trong mùa mưa, bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các hộ dân dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu.
Dự trữ đủ hàng thiết yếu trong mùa mưa, bão
 
Xác định những ngày tới, mưa, bão còn diễn biến bất thường, tình trạng sạt lở gây tắc đường, nước dâng cao gây cô lập, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra thực tế một số vị trí xung yếu; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và người dân phải dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo các DN, siêu thị và đại lý, cửa hàng... tập trung trữ hàng hóa, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổ chức kiểm tra không để tình trạng lợi dụng thiên tai gây khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên cao, trục lợi bất chính; ngăn chặn tình trạng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trong thời điểm xảy ra mưa lũ. Ngành giao thông cần tập trung kiểm soát, giải tỏa ách tắc giao thông để thông đường, đưa hàng về các địa phương trong tỉnh, không để xảy ra cô lập, gây khan hiếm hàng hóa. 
Hỗ trợ gạo cho người dân vùng sạt lở núi ở xã Sơn Long (Sơn Tây).            Ảnh: T.Nhị
Hỗ trợ gạo cho người dân vùng sạt lở núi ở xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: T.Nhị
Hiện các địa phương đang tích cực chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo không chỉ 7 ngày, mà có thể đủ dùng trong 20 ngày đến cả tháng nếu mưa, lũ kéo dài. Một số vùng cô lập ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây, chính quyền đã tăng cường đưa gạo và mì tôm, mắm, muối... tập kết về địa bàn, đảm bảo người dân không bị thiếu ăn trong suốt thời gian xảy ra sạt lở, tắc đường, trôi cầu gây cô lập.
 
Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết: “Huyện đã hỗ trợ 47 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở tuyến đường Đông Trường Sơn đoạn qua khu dân cư Huy Duỗi, xã Sơn Long, mỗi hộ 100kg gạo và 3 thùng mì tôm. Hiện một số cơ quan, đoàn thể, DN, tổ chức cũng đang tiếp tục tặng quà, gồm hàng hóa thiết yếu, chăn ấm, bình lọc nước đến tận vùng di dân, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”.
“Hiện tại, các siêu thị, trung tâm thương mại và các đại lý cung ứng các mặt hàng thiết yếu, gồm gạo, rau củ quả, mắm, muối, các loại thịt, cá đông lạnh... đã tăng lượng hàng dự trữ gấp đôi. Trong trường hợp cần thiết, tỉnh sẽ làm việc và yêu cầu các cơ sở này tăng cường nhập hàng hóa từ các nơi khác về”.
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương NGUYỄN ĐỨC HUY
Xây dựng các phương án cho vùng rốn lũ
 
Huyện Bình Sơn là địa phương có nhiều xã nằm dọc sông Trà Bồng, với nhiều vùng trũng thấp. Trong đợt mưa, lũ vừa qua, nhiều xã dọc sông Trà Bồng bị ngập sâu trong nước và phải di dời khẩn cấp 227 hộ dân ở các xã Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương. Trước tình hình mưa, bão phức tạp, UBND huyện Bình Sơn đã chủ động dự trữ 200 thùng mì tôm, 5 tấn gạo, 2.000 lít dầu thắp sáng và các nhu yếu phẩm dự phòng khác, để kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, tuyên tuyền người dân các xã, thị trấn dự trữ lương thực, thực phẩm  thiết yếu, thuốc, nước uống ít nhất 10 ngày khi có bão, lũ xảy ra đối với với các xã đồng bằng và ít nhất 15 ngày đối với các xã miền núi, các khu vực thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt.
 
Theo báo cáo của huyện Bình Sơn, trong đợt bão số 6 và mưa lũ vừa qua, huyện bị thiệt hại hơn 180ha diện tích rau màu, nên nguồn cung mặt hàng này chủ yếu từ các tỉnh phía nam về. Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ có đầy đủ các sản phẩm rau, củ, quả, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân. 
Chợ Châu Ổ đảm bảo hàng hóa tươi sống cho người dân huyện Bình Sơn.      Ảnh: H.Hoa
Chợ Châu Ổ đảm bảo hàng hóa tươi sống cho người dân huyện Bình Sơn. Ảnh: H.Hoa
Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Sơn Nguyễn Tân cho biết: Hiện giá các mặt hàng rau, củ, quả có tăng giá so với thời điểm trước bão số 6. Tuy nhiên, mức tăng này là do quy luật cung - cầu, không phải do các tiểu thương tự nâng giá. Các mặt hàng tươi sống như thịt, cá các loại vẫn đảm bảo, giá cả ổn định. Riêng sản lượng thịt gà, nguồn cung tại chỗ khá dồi dào.
 
Bên cạnh đó, với hai nhà phân phối và hàng chục đại lý, cửa hàng buôn bán gạo trên địa bàn huyện sẵn sàng đáp ứng, vận tải gạo đến các xã, vùng nông thôn. Đối với các xã ở xa trung tâm huyện như Bình Khương, Bình An (Bình Sơn) cũng luôn có chợ di động, đưa hàng hóa về tận các thôn, xóm. Tuy nhiên, trong tình hình mưa, lũ kéo dài, gây chia cắt cũng như nguy cơ sạt lở đất ở xã miền núi Bình An, huyện Bình Sơn đã xây dựng phương án cụ thể trong từng hoàn cảnh, đảm bảo người dân vùng rốn lũ, vùng bị chia cắt không thiếu lương thực, nước uống.
 
Cần quan tâm vùng cô lập, chia cắt
 
Mưa lớn những ngày qua đã cuốn trôi chiếc cầu làm bằng ván, tre bắc qua xóm “ốc đảo” Đồng Min, thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn). Hiện phương tiện đi lại duy nhất của 250 hộ dân nơi đây là ghe. Đề phòng mưa lớn trong những ngày tới, khiến nước sông Trà Bồng dâng cao, chảy xiết, không thể qua trung tâm xã, chính quyền xã Bình Dương đã bố trí ghe để người dân đi mua hàng hóa dự trữ trong những ngày bị chia cắt. Tuy nhiên, nếu mưa lũ kéo dài, việc dự trữ lương thực, thực phẩm ở vùng sông nước này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
 
Gần một tháng nay, 115 hộ dân thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) phải chịu cảnh cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nguyên nhân do mưa lớn, làm nước suối Lếch dâng cao, cắt đứt con đường vận chuyển hàng hoá về làng. Người dân ở đây phải chia sẻ với nhau từng lon gạo, con cá khô, gói mì tôm để chờ nước rút ra trung tâm xã mua lương thực, thực phẩm. Mặc dù đã từng chịu cảnh mưa lũ chia cắt mấy chục năm nay, nhưng người Làng Tốt bảo hiếm khi lũ lớn kéo dài nhiều ngày như hiện nay. Bà Phạm Thị Đốt, ở thôn Làng Tốt cho biết: “Lũ lớn, hết cơn này đến cơn khác, không biết làm sao rời làng đi mua mắm, mua muối cả. Mấy người giỏi bơi vượt suối đi mua, thì cũng chỉ đem về được ít thôi, không đủ cho cả làng dùng”.
 
Ở huyện Ba Tơ, hiện còn một số khu dân cư bị chia cắt, nhiều nhất là ở xã Ba Giang, Ba Ngạc. Nhiều ngôi làng chênh vênh bên kia sông, không chỉ lo sạt lở mà còn lo không mua được lương thực, thực phẩm khi nước sông dâng cao nhiều ngày không rút. Hiện chính quyền xã đã lên kế hoạch hỗ trợ gạo, nước mắm, muối cho bà con, nhưng phải chờ nước rút, thật sự an toàn mới tiến hành vận chuyển đến cấp cho người dân.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều vùng bị chia cắt, cô lập khi nước sông dâng cao. Vì vậy, người dân ở các vùng này rất cần sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương, giúp người dân an tâm hơn khi mưa, bão về. Song, về lâu dài, cần có những chủ trương, chính sách, những cây cầu phù hợp, vững chắc hơn, để người dân chủ động hơn trước mỗi mùa mưa, bão.
 
THANH NHỊ - HỒNG HOA
 
Rau xanh khan hiếm, tăng giá
 
Mưa lũ trong những ngày vừa qua đã gây thiệt hại cho người dân ở các vùng trồng rau trong tỉnh. Nhiều đồng rau ở vùng trũng thấp gần như bị hư hại, mất trắng hoàn toàn. “Cung không đủ cầu”, nên thị trường rau xanh tại các chợ đã trở nên khan hiếm và tăng giá gấp nhiều lần so với ngày thường.
 
Ghi nhận tại chợ Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi), giá các mặt hàng rau xanh tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Cụ thể, dưa leo, đậu bắp giá 40 nghìn đồng/kg, xà lách, cải ngọt, rau muống 60 nghìn đồng/kg, hành lá 50 nghìn đồng/kg... Bà Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau xanh cho biết: “Mưa lũ khiến các vườn rau bị ngập úng, hư hại, nên rau khan hiếm. Hiện nay, giá các loại rau nhập vào đều tăng từ 20 - 30 nghìn đồng/kg so với ngày thường, khiến tiểu thương gặp khó khăn khi thiếu nguồn cung lẫn khách hàng”. 
 
Rau xanh tại các chợ ít hơn thường ngày và giá thì tăng đột biến khiến những người tiêu dùng như chị Lê Bảo Trâm, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) không khỏi đắn đo khi đi chợ. “Một bó rau muống với một trái mướp nhỏ tôi mua với giá 32 nghìn đồng. Rau đắt quá, nhưng tôi phải mua vì bữa ăn không thể thiếu rau được”, chị Trâm chia sẻ.
 
Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 260ha rau màu bị hư hại do mưa lớn, ngập lụt, chủ yếu tập trung ở các xã Tịnh An, Tịnh Long, Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Nhanh, ở xã Tịnh Long cho hay: “Trước khi xảy ra mưa, lũ, thương lái thu mua rau với giá rất rẻ, nay giá rau tăng cao nhưng không có để bán. Như giá hẹ, hành lá thu mua tại ruộng là 30 - 35 nghìn đồng/kg, mồng tơi, mướp 40 nghìn đồng/kg, nhưng nước ngập làm rau bị hư, một sào mà thu hoạch chỉ được lác đác vài ký”.
 
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều nông dân trồng rau trong tỉnh đang đắn đo khi xuống giống vụ mới, nhất là ở những vùng trũng thấp. Để có nguồn rau cung ứng ra thị trường sẽ phải mất chừng 1,5 tháng để khôi phục, trồng mới ở các vùng rau trong tỉnh. Vì vậy, tình trạng rau xanh đội giá như hiện nay sẽ còn diễn ra do nguồn cung giảm mạnh.
 
HẢI CHÂU

 

 
 
 

.