(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh là, phấn đấu có thêm 19 xã đạt chuẩn NTM. Song, đến giữa tháng 9 vừa qua, mới chỉ có 4/19 xã đạt 19 tiêu chí.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Miền núi vẫn còn nhiều khó khăn
Những năm qua, chương trình xây dựng NTM đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực giúp vùng cao có nhiều khởi sắc. Các công trình hạ tầng được đầu tư không chỉ giúp người dân hưởng lợi, mà diện mạo miền núi cũng ngày càng thay đổi. Điều quan trọng nhất mà chương trình NTM mang lại, đó là đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng hiến đất, hoa màu, góp công sức xây dựng khu dân cư, làng xóm phát triển hơn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, để các xã miền núi thực hiện đạt chuẩn, nhiều tiêu chí (TC) vẫn còn lắm khó khăn.
Tiêu chí về thu nhập của người dân là bài toán khó có lời giải đối với nhiều xã ở miền núi. Trong ảnh: Nông dân xã Sơn Trung (Sơn Hà) trồng mướp phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Lê Đức |
Xã Sơn Hạ (Sơn Hà), một trong 4 xã miền núi trong danh sách 19 xã có kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2020, đến nay mới đạt 16 TC NTM. “Vì địa bàn rộng, dân số đông, đa phần làm nghề nông, thu nhập không ổn định, kinh tế người dân vẫn còn khó khăn. Đến nay, xã vẫn còn 3 TC chưa đạt, gồm TC về thu nhập (số 10), hộ nghèo (11) và môi trường - an toàn thực phẩm (17). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 10,42%”, Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ Phạm Văn Công cho biết.
Tại xã Ba Cung (Ba Tơ), qua rà soát, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM, tính đến thời điểm hiện tại có 14 TC đạt 34/34 nội dung (6 TC đạt chuẩn, 8 TC đang hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định). Mặc dù đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng theo nhìn nhận của lãnh đạo UBND xã, thì tiến độ triển khai thực hiện chưa đạt, khả năng huy động nguồn lực tại xã còn khó khăn, tâm lý người dân vẫn còn trông chờ ỷ lại, các hội đoàn thể chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, là những hạn chế đối với chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,54%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 20,58 triệu đồng, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 45%...
Những TC chưa đạt như thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm... cũng là bài toán khó có lời giải đối với nhiều xã miền núi. Bởi theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, để đạt được mức thu nhập 41 triệu đồng/người/năm, không chỉ đối với người dân miền núi mà cả đồng bằng cũng là điều không dễ dàng. Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi chiếm khá cao, để giảm xuống dưới 5% cần thời gian dài và phụ thuộc nhiều yếu tố. Những năm qua, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn phát triển liên kết sản xuất, song nhiều hợp tác xã (HTX) vẫn chưa tham gia được chuỗi liên kết, nhất là ở miền núi. Vì thế, dù các xã miền núi đều thành lập HTX, song hoạt động rất khó khăn, thậm chí có HTX phải dừng hoạt động.
Còn nhiều việc phải làm
Đối với xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), sau thời gian nỗ lực ổn định hệ thống và xây dựng NTM đã đạt 17/19 TC, nhưng với TC 19 về quốc phòng và an ninh khó đạt, bởi vào tháng 2.2020 trên địa bàn xã xảy ra vụ trọng án. Điều này cho thấy, TC 19 dù là “tiêu chí mềm”, nhưng có ý nghĩa quan trọng, là “rào cản” đạt chuẩn NTM. Trong khi đó, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), là một trong hai xã bổ sung năm 2020, nhưng mới đạt 14/19 TC. Bên cạnh khó khăn về TC số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa, xã Nghĩa Dõng còn hạn chế với TC số 13 - Tổ chức sản xuất, bởi HTX của xã vẫn chưa được chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX 2012.
Thanh niên miền núi tìm đến các sàn giao dịch giới thiệu việc làm để mong có công việc ổn định, nâng cao thu nhập. |
Ngoài những rào cản về TC "mềm", các TC "cứng" như giao thông, thủy lợi cũng “làm khó” nhiều địa phương, vì để kiên cố kênh mương, bê tông các tuyến đường cần vốn đầu tư lớn. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đến nay, đối với 19 xã trong kế hoạch, thì chỉ có 4 xã đạt 19 TC, 3 xã đạt 17 TC, 5 xã đạt 16 TC, 1 xã đạt 15 TC và 6 xã đạt 14 TC. Nhiều địa phương khó về đích theo kế hoạch đề ra và để đạt chuẩn các TC, cần thời gian thực hiện với nỗ lực cao nhất.
“Xác định thu nhập và hộ nghèo là những TC khó khăn nhất, nên chúng tôi tập trung rà soát thực tế điều kiện của từng hộ gia đình, phân công các cán bộ, đảng viên phụ trách, định hướng giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, tập trung các nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thay đổi thói quen canh tác của người dân, chăn nuôi trang trại, trồng rừng tập trung hiệu quả, phát triển thương mại - dịch vụ. Nhất là khuyến khích lao động trẻ tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, mang lại thu nhập và ổn định kinh tế gia đình”, Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ Phạm Văn Công nói.
Năm 2020 được xem là năm then chốt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhất là phải thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao; đồng thời, triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo với nhiều TC khó, yêu cầu cao hơn. Do đó, để đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2020, cần tập trung đôn đốc các xã hoàn thành các TC, hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục xét công nhận. Với các TC chưa đạt, các sở, ngành cần chủ động hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ...
Tiến độ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu rất chậm
Theo đánh giá, so với kế hoạch của tỉnh đề ra, tiến độ thực hiện xây dựng khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu còn rất chậm. Vừa qua, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã có văn bản nhắc nhở, đôn đốc các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành nội dung các TC, hoàn thiện hồ sơ thủ tục xem xét công nhận KDC NTM kiểu mẫu trong năm 2020 đối với các KDC được phân bổ vốn năm 2019. Địa phương nào không hoàn thành cần báo cáo nêu rõ nguyên nhân. Đối với các KDC phân bổ vốn năm 2020, xem xét cân đối hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện cho các xã thực hiện, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tránh để kéo dài, mất vốn...
|
Bài, ảnh: BẢO HÒA