(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không chỉ những xã, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, mà nhiều địa phương chưa đạt chuẩn NTM cũng có bước tiến đáng kể về hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Diện mạo các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đã được Chương trình NTM “làm mới” khá toàn diện, như: Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng... được xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ vốn... cũng được quan tâm thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực. Dù vậy, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí.
Chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết, nên việc thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất ở một số địa phương vẫn chưa đạt kết quả. |
Đó là nhiều chợ, nhà văn hóa thường xuyên “cửa đóng, then cài”, khu thể thao “vắng lặng, đìu hiu”... Trong khi một số cơ sở hạ tầng thiết yếu, như trường học, trạm y tế, thì chưa được đầu tư tương xứng. Như trên địa bàn xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), trong khi nhà văn hóa hai thôn được xây cạnh nhau, thì cơ sở vật chất của Trường THCS Nghĩa Thuận lại thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Vì vậy, khi kiểm tra thực tế các tiêu chí, đại diện Bộ VH-TT&DL Vi Thanh Hoài đặt vấn đề: Thay vì “mỗi thôn một nhà” ở cạnh nhau, vì sao địa phương không tính toán xây dựng một nhà văn hóa, để người dân hai thôn sử dụng chung. Phần kinh phí còn lại dùng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường học và nhà văn hóa. Như thế vừa tránh lãng phí, vừa tăng hiệu quả và công năng của công trình.
Ngoài ra, vì sức ép thành tích, phải hoàn thành các tiêu chí đúng lộ trình, nên nhiều địa phương đã tìm mọi cách huy động nguồn lực, mà không quan tâm đến điều kiện và năng lực thực tế của mình, dẫn đến “quá sức” trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, việc thực hiện một số tiêu chí là chỉ để “hoàn thành mục tiêu”, chứ không vì mục tiêu nâng cao mức sống, thu nhập của người dân. Dù được xem là lực lượng chủ thể chính trong quá trình xây dựng NTM, nhưng nông dân và doanh nghiệp (DN) hiện vẫn tự bơi, mà chưa được Nhà nước tạo điều kiện để gặp và liên kết với nhau.
“Không có DN dẫn dắt, thì làm sao phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, để tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân?”, Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình xây dựng NTM Nguyễn Đình Tiến cho biết. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chỉ chú trọng thực hiện tiêu chí NTM liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, mà chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí “mềm”, như: Hệ thống chính trị, tình hình an ninh, trật tự...
Chính vì vậy, bên cạnh siết chặt việc đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí “mềm”, thời gian tới, các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, kế hoạch tương ứng với điều kiện thực tế, từng giai đoạn và không đánh đồng tiêu chí. Vì mỗi vùng, miền có những đặc điểm kinh tế - xã hội và điều kiện phát triển khác nhau.
“Khi thực hiện các tiêu chí, địa phương phải “cân” mức độ tương xứng giữa kết quả đạt được với chi phí đầu tư; cũng như lường trước những hệ lụy phát sinh và tác động đến khu vực miền núi, nông thôn và những gia đình nghèo. Từ đó, đề xuất và thực hiện các giải pháp xử lý kịp thời, để vừa tránh lãng phí, vừa hạn chế tình trạng xuê xoa, hình thức, chạy theo thành tích”, ông Tiến yêu cầu.
Bài, ảnh: THANH PHONG