(Báo Quảng Ngãi)- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) sẽ giúp cơ cấu lại các mặt hàng xuất, nhập khẩu, đầu tư, tạo thế tự chủ, bớt lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống... đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Cơ hội lớn
Sau đại dịch Covid-19, bài học kinh tế phụ thuộc vào thị trường truyền thống Trung Quốc đã trở nên quá rõ đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trong đó có DN Quảng Ngãi. Vì thế, việc mở rộng giao thương bền vững với các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ là mục tiêu, động lực của hàng trăm DN sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Các quy định của Hiệp định EVFTA cho thấy, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế.
Đối với ngành dệt may, sau 7 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan 100% kim ngạch xuất khẩu. |
Hiện nay, hàng hóa của DN Quảng Ngãi được xuất khẩu mạnh vào thị trường EU. Dự báo kim ngạch xuất khẩu của DN Quảng Ngãi đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu 1 tỷ USD, trong đó hàng trăm triệu USD sẽ đổ về từ thị trường EU. Theo nhận định của ngành công thương, việc tham gia sâu rộng vào thị trường EU, chính là thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, EVFTA cũng có tác động tích cực tới lao động; trong đó, những ngành sử dụng lao động như dệt may, da giày dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất... EU là thị trường lớn, là cơ hội tốt để nông sản của Quảng Ngãi gia nhập, xây dựng thị phần vững chắc tại châu lục này.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu, thì Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi kỳ vọng sẽ giúp bù đắp sự suy giảm này. Về phía DN, EVFTA còn là cơ hội để đa dạng hóa thị trường hơn, giúp DN nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này", Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà đánh giá.
Thách thức không nhỏ
EVFTA kết nối Việt Nam tới một thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, cộng đồng DN cần sát cánh nỗ lực thực thi EVFTA. Cả Nhà nước lẫn DN phải tìm hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.
Trong một lộ trình không xa, 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có Quảng Ngãi sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Các nhóm hàng quan trọng như dệt may, giày dép, gạo, đường, mật ong... sẽ dần được xóa bỏ theo mốc 5, 7, 10 năm nữa. Cụ thể, đối với ngành dệt may, sau 7 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan 100% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam cũng cam kết trong vòng 9 năm nữa, thuế nhập khẩu ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy sẽ là 0%, mang lại nhiều kích cầu tiêu dùng, nâng cao đời sống của người dân trong nước.
Khi kết nối với thị trường lớn EU, tiến trình cải cách thể chế sẽ sâu, rộng hơn, phù hợp thời hội nhập, cạnh tranh minh bạch và công bằng, phát triển bền vững; hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ; bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường; tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa DN FDI với DN trong nước. Đồng thời, nâng cấp năng lực cạnh tranh của DN về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn EU, tạo nền tảng tương tác vững chắc trong bối cảnh mới.
Bài, ảnh: THANH NHỊ