Nhiều dự án sản xuất rau sạch chết yểu- Kỳ 2: Cần chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp

04:05, 03/05/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Các dự án, mô hình dựa vào ngân sách nhà nước chết yểu. Toàn tỉnh có 13 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hiện nay mới chỉ có 1 dự án hoạt động hiệu quả.

Người dùng cần, người bán khó

Cứ mỗi lần xách giỏ đi chợ, chị Nguyễn Thị Tâm, ở tổ 2, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) lại phân vân rau nào sạch, cái nào bẩn, làm sao để mua được rau an toàn?

“Mình đã nhiều lần mua rau có chứng nhận RAT nhưng quả thật giá quá cao. Một ký rau cải có giá 20.000 đồng thì rau an toàn (RAT) chỉ dành cho những gia đình có thu nhập cao. Ra chợ thì không biết sao mà lựa, cứ chọn đại, không biết có an toàn không?” - chị Tâm nói khi đang cho nắm cải thìa vào giỏ.
 
Hiện nay, thị trường xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển bán thực phẩm sạch, an toàn, nhưng ế ẩm, đìu hiu. Người tiêu dùng còn hoài nghi về chất lượng sản phẩm và e ngại giá cả.
 
RAT Nghĩa Hà
Tổ hợp tác sản xuất RAT Nghĩa Hà chưa mở rộng được quy mô vì chưa được chứng nhận sản phẩm an toàn.

Vì sao nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng luôn cao mà các HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh RAT, rau sạch lại thất bại?

Thực tế, người tiêu dùng rất quan tâm tới RAT, rau sạch, nhưng có nhiều lý do mà họ vẫn chưa tìm đến vì giá quá đắt so với rau ngoài chợ, bởi thời gian sản xuất kéo dài, chi phí sản xuất RAT cao hơn rau thường, năng suất thấp hơn.

Người tiêu dùng chưa tiếp cận với các thông tin quảng bá, tiêu thụ sản phẩm do năng lực quản lý điều hành của HTX, các tổ hợp tác còn yếu, chưa có kinh nghiệm trong quản lý sản xuất nên hiệu quả hoạt động thấp, HTX không tìm được đầu ra cho nông dân.

Bên cạnh đó, không ít nông dân dù tham gia mô hình, dự án RAT nhưng vẫn giữ thói quen canh tác cũ, đặt lợi nhuận lên hàng đầu, không tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
 
Toàn tỉnh mới chỉ có
Rất ít khách hàng tiếp cận được với RAT.
 
Ông Cao Tý, xã viên HTX Kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà cho hay: “Làm RAT không khó. Thực tế giá RAT bán tại ruộng cho HTX chênh lệch không nhiều, nhưng do qua khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao so với rau chợ. Nếu không có giải pháp hỗ trợ hệ thống bán lẻ, kênh tiêu thụ, giảm giá thành sản phẩm thì RAT mãi chết yểu”.

Cần chính sách đủ mạnh

Quảng Ngãi có diện tích sản xuất rau các loại cả năm hơn 14.000 ha. Toàn tỉnh còn có 13 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Thế nhưng mới chỉ có 4ha của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNASAFE sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp giấy chứng nhận, hoạt động hiệu quả, được người tiêu dùng đón nhận.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: Hiện nay hạ tầng ở nông thôn chưa đồng bộ, vùng tổ chức sản xuất khá xa nơi tiêu thụ, chi phí sản xuất RAT lớn. Đó là những yếu tố đưa giá RAT lên quá cao so với rau chợ, dẫn đến khi có phần của hỗ trợ nhà nước thì HTX còn duy trì hoạt động, hết kinh phí hỗ trợ thì chết yểu. Chúng ta chưa xây dựng được sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa liên kết được 3 nhà: nhà nông, nhà kinh doanh và người tiêu dùng.
 
liên kết 3 nhà.
Cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà.

Trong đó, nhà kinh doanh (doanh nghiệp) có vai trò quyết định, là lực lượng dẫn dắt nhà nông sản xuất, khai mở các thị trường, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, quyết định giá thành của sản phẩm lại rất khó khăn thu hút họ đầu tư vào lĩnh vực này.

Khó khăn trong thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh.

Ông Dương Văn Tô cho biết, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT đang phối hợp với Sở KH&ĐT xây dựng dự thảo trên cơ sở Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Quảng Ngãi sẽ ban hành chính sách khuyến khích tính chất đặc thù của tỉnh.

"Với chính sách hỗ trợ mới sẽ đủ sức thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí chứng nhận sản phẩm; hỗ trợ tiền thuê đất, các khoản thuế, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuỗi sản xuất" - ông Tô nói.

Nhà nước cũng hỗ trợ cả chi phí truyền thông, quảng bá sản phẩm. Công tác tuyên thông trước mắt là tuyên truyền cho các trường học, trường có học sinh bán trú, nội trú, từ bếp ăn tập thể, công nhân… từ đó lan truyền ra xã hội để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Nếu liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà và sự hỗ trợ đắc lực về cơ chế, chính sách sẽ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao hơn rau sản xuất theo kiểu truyền thống từ 15 - 20%, lại đảm bảo môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
 
Bài, ảnh: C.P
 

.