Chuyển đổi đất màu sang trồng cây ăn quả: Hướng đi nhiều hiệu quả

02:05, 27/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tăng giá trị kinh tế trên một diện tích đất nông nghiệp, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất màu, đất trồng keo sang trồng cây ăn quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Sau nhiều năm trồng những loại cây như điều, keo... năm 2018, ông Nguyễn Tịnh, ở thôn Phú Nhiêu 2, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) đã cải tạo lại 9 sào đất vườn gần nhà để đầu tư trồng cây ăn quả, gồm mít Thái, chanh thơm, bơ... Nhìn vườn cây ăn trái đủ các loại phát triển xanh tốt chỉ sau hai năm trồng, ông Tịnh không giấu được niềm vui. Hiện tại, 130 cây chanh thơm, 70 cây mít Thái của ông Tịnh đã bắt đầu cho quả rộ và có thu hoạch.  
 
Việc chuyển đổi đất trồng hoa màu sang trồng ổi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Trịnh Phú Liên, ở xã Bình Trung (Bình Sơn).
Việc chuyển đổi đất trồng hoa màu sang trồng ổi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Trịnh Phú Liên, ở xã Bình Trung (Bình Sơn).
Tuy nhiên, mít Thái được ông Tịnh để chín tự nhiên theo kiểu chín trái nào hái trái đó, nên không đủ cung cấp ra thị trường. Với giá bán từ 35.000 - 50.000 đồng/kg chanh thơm, 20.000 đồng/kg mít Thái, ông Tịnh nhẩm tính sẽ thu về tiền triệu mỗi ngày khi cây cho thu hoạch rộ.
 
Bên cạnh đó, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng dưới tán cây mít, chanh ông Tịnh còn trồng nhiều loại cây khác như thơm, ớt xiêm, sả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. “So với đầu tư trồng keo, mì, bắp… thì trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Tôi đang dự định mua thêm đất liền kề để mở rộng vườn cây ăn quả”, ông Tịnh cho biết.
 
Còn với ông Trịnh Phú Liên, ở xã Bình Trung (Bình Sơn) lại chọn cây ổi để chuyển hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, trên diện tích đất trồng hoa màu trước đây, ông Liên đã chuyển sang trồng ổi. So với trồng mít, chanh thì trồng ổi tốn nhiều công sức và chi phí đầu tư hơn, vì muốn có trái ổi đẹp, không bị sâu, ong sắt đục thì phải bao bọc cẩn thận.
 
Ông Liên cho biết: “Lâu nay, trồng hoa màu cũng chỉ đủ chi phí đầu tư, chứ tính về kinh tế thì không hiệu quả. Xuất phát từ thực tế đó, tôi mới chuyển sang trồng cây ổi. Ban đầu tôi trồng một sào để thử nghiệm, thấy phù hợp nên tôi đã nhân rộng thêm một sào nữa”.
 
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây ngắn ngày, kém hiệu quả bằng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thời gian qua, từ các nguồn khác nhau, nhiều nông dân trong tỉnh đã được hỗ trợ giống, phân bón để chuyển đổi mô hình sản xuất kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả mới, với mục tiêu thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
 
Tuy nhiên, ngoài huyện Nghĩa Hành, thì hiện nay việc chuyển đổi đất trồng hoa màu, đất đồi sang trồng cây ăn quả tại nhiều địa phương cũng chỉ mang tính tự phát theo kiểu nông dân tự tìm cây giống, kỹ thuật và tự trồng. Bên cạnh đó, nhiều nông dân thấy mô hình kinh tế nào hiệu quả là "bắt chước" làm theo, nhưng do không am hiểu kỹ thuật canh tác nên không hiệu quả. Vì vậy, để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần có định hướng, cũng như quy hoạch diện tích cây trồng cụ thể.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.