Đề phòng nguy cơ tái bùng phát dịch tả heo Châu Phi

09:05, 24/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau thời gian khống chế và kiểm soát, đến đầu tháng 5.2020, Quảng Ngãi đã công bố hết dịch tả heo Châu Phi (ASF). Nhưng hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Nam, đã tái phát dịch ASF. Để phòng dịch ASF, hiện nay, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang tích cực, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó...
Không được chủ quan
 
“Hoạt động buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm của thịt heo đang nhộn nhịp trở lại; cộng với nhu cầu tiêu thụ heo và các sản phẩm thịt heo tăng mạnh, nên người chăn nuôi nôn nóng tái đàn. Trong khi đó, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không khai báo thông tin tái đàn, việc sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi heo vẫn còn phổ biến. Vì vậy, nguy cơ dịch ASF tái bùng phát và lây lan là rất lớn”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ cho biết. 
 
Người chăn nuôi không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng tái bùng phát dịch ASF.
Người chăn nuôi không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng tái bùng phát dịch ASF.
Ngoài ra, giá heo giống hiện rất cao, dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ nguồn lực, phải nhập con giống trôi nổi với giá rẻ. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng “lọt” nguồn heo bệnh vào tỉnh ta.  
 
Hiện nay, ngành thú y đang triển khai các biện pháp kiểm soát và quản lý công tác buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm thịt heo lưu thông qua tỉnh, nhất là từ các địa phương đang tái phát dịch ASF. Bởi dịch ASF hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị, nên gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi, cũng như kinh tế - xã hội địa phương. Như trên địa bàn tỉnh, dịch ASF xảy ra từ tháng 5.2019 đến cuối tháng 4.2020 đã gây thiệt hại trên 73 tỷ đồng, khi có đến 36.780 con heo bị tiêu hủy bắt buộc. Vì vậy, nếu dịch ASF tái bùng phát, không chỉ ảnh hưởng lớn đến công tác tái đàn, mà còn gây áp lực lên việc cung ứng nguồn thịt heo và các các sản phẩm từ thịt heo, trong điều kiện giá heo hơi liên tục biến động ở mức cao.
 
Tăng cường phòng dịch
 
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hiện đang theo dõi sát tình hình và diễn biến dịch bệnh, để bố trí, duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật lưu động tại các đầu mối giao thông, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông heo và các sản phẩm từ thịt heo qua địa bàn tỉnh. “Ngành thú y đã hướng dẫn chính quyền cơ sở biện pháp khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi cấp thôn, xã; rà soát, thống kê toàn bộ đàn heo tại những vùng nguy cơ cao, vùng bị uy hiếp và vùng đệm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch ASF”, ông Hạ cho biết.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương chủ động tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại những khu vực có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao... để hạn chế mầm bệnh phát sinh. Chủ động cảnh báo và giám sát sớm, cũng như tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và phát hiện sớm các ổ dịch, nhằm kịp thời xử lý, không để lây lan và bùng phát. Tăng cường thanh tra và phối hợp kiểm soát, xử lý nghiêm theo Luật Thú y các đối tượng vận chuyển, buôn bán heo và các sản phẩm thịt heo... không rõ nguồn gốc, xuất xứ; các trường hợp giấu dịch; giết mổ, bán chạy heo bệnh, heo nghi bệnh hoặc hoặc vứt xác heo chết, heo bệnh ra môi trường.
 
Người nuôi heo "thiệt kép" nếu không tuân thủ quy định
 
Từ ngày 15.5.2020, các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh thực hiện tái đàn, mà chưa đăng ký với chính quyền địa phương; cũng như không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch ASF trong chăn nuôi tái đàn sẽ không được hỗ trợ thiệt hại từ nguồn ngân sách nhà nước, nếu xảy ra dịch ASF. 
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 
 

.