Ứng phó biến đổi khí hậu: Khi chính quyền và nhân dân cùng chủ động

02:02, 12/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trồng và bảo vệ rừng dương ven biển, đồng thuận xây dựng và nhân rộng mô hình khu dân cư (KDC) bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu... là cách làm hay mà chính quyền và nhân dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) chủ động thực hiện suốt nhiều năm qua để  bảo vệ nhà cửa, đất đai trước tình trạng sạt lở ven biển.
Đồng lòng trồng rừng
 
Nhiều năm qua, để chủ động ứng phó với tình trạng nước biển xâm thực, thường xuyên gây sạt lở ven bờ, chính quyền và nhân dân xã Đức Lợi đã cùng nhau trồng và không ngừng mở rộng diện tích rừng dương liễu chắn sóng. 
Trong hai năm 2018 và 2019, chính quyền và nhân dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) đã trồng bổ sung khoảng 20.000 cây dương liễu dọc bờ  biển.
Trong hai năm 2018 và 2019, chính quyền và nhân dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) đã trồng bổ sung khoảng 20.000 cây dương liễu dọc bờ biển.
“Xác định trồng rừng là việc làm sống còn để bảo vệ nhà cửa, đất đai, ngay từ năm 1980, gia đình tôi đã trồng 3 đám dương liễu lớn dọc theo bờ biển. Phong trào trồng dương liễu ăn sâu vào ý thức mỗi người đến mức hễ chỗ nào đất trống là chúng tôi trồng, chứ không chỉ trồng ở phần đất gần nhà mình”, bà Lê Thị Mai, một người dân thôn Kỳ Tân bộc bạch.  
 
Nhà ít thì trồng vài chục cây, nhà nhiều thì vài trăm cây. Nhờ đó, đường bờ biển dài hơn 2km từ thôn Vinh Phú đến thôn Kỳ Tân (Đức Lợi) đã hình thành nên “vành đai” dương liễu, với diện tích hơn 15ha. Quyết tâm củng cố ngày càng vững chắc cho “vành đai xanh”, năm 2013, người dân thôn Kỳ Tân trồng dặm thêm 10.000 cây dương liễu cho rừng. Năm 2014, khoảng 7.000 cây dương liễu do chính quyền địa phương hỗ trợ cũng được từng nhà chia nhau trồng, chăm sóc. Đặc biệt,  trong hai năm 2018 và 2019, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, UBND xã Đức Lợi đã trồng thêm khoảng 20.000 cây dương liễu và hơn 600 cây dừa, để mở rộng thêm diện tích cây chắn sóng ven biển.
 
“Không chỉ ngăn sạt lở, mà vào mùa gió chướng tháng 9, tháng 10, rừng ven biển sẽ giúp người dân ứng phó với nạn cát bay. Vì vậy, dù nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường còn hạn chế, nhưng địa phương luôn tập trung cho công tác trồng rừng ven biển. Điều đáng mừng là, không chỉ chính quyền tập trung thực hiện, mà hoạt động trồng và bảo vệ rừng còn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến cho biết.
“Không chỉ ngăn sạt lở, mà vào mùa gió chướng tháng 9, tháng 10, rừng ven biển sẽ giúp người dân ứng phó với nạn cát bay. Vì vậy, dù nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường còn hạn chế, nhưng địa phương luôn tập trung cho công tác trồng rừng ven biển”.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi LÊ VĂN TIẾN
Nhân rộng mô hình vì môi trường
 
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đầu năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đức Lợi xây dựng điểm mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khi hậu” tại KDC số 7, thôn Kỳ Tân.
 
Tham gia vào mô hình có hơn 130 hộ dân tại KDC số 7 đã đồng lòng chọn ngày 15 hằng tháng để tổ chức dọn vệ sinh bãi biển, KDC; đồng thời trồng, chăm sóc thêm hơn 3.000 cây dương liễu dọc bờ biển...
 
“Lúc mới bắt đầu, chúng tôi đặt mục tiêu vận động người dân thu gom rác bờ biển và nơi công cộng vào ngày 15 hằng tháng. Nhưng dần dà, khi nhận ra lợi ích của việc bảo vệ môi trường, người dân đã chủ động dọn và gom rác nơi công cộng hằng ngày. Việc thu gom không còn giới hạn ở ngày, giờ cụ thể; mà được nhiều người thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Nhiều khi đang đi dạo, hoặc đi tập thể dục mà thấy rác, mọi người đều tự giác nhặt, gom lại thành đống”, Tổ trưởng Tổ tự quản mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại KDC số 7 Đinh Văn Tiếp cho biết.
 
Từ hiệu quả bước đầu tại KDC số 7, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đức Lợi đã có kế hoạch nhân rộng mô hình này tại các KDC trên địa bàn toàn xã, nhất là các KDC ven biển, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ che phủ rừng ven biển.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.