Sơn Tây: Phát huy tốt nguồn vốn ưu đãi

10:02, 11/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nghèo, đồng bào dân tộc Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
 
Cách đây hơn 4 năm, gia đình anh Đinh Văn Sinh, ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây), là hộ nghèo của xã. Để tạo điều kiện cho gia đình anh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương đã giúp anh tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH để trồng keo và chăn nuôi. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, cùng sự chăm chỉ làm ăn, gia đình anh Sinh đã nhanh chóng thoát nghèo. 
 
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân.
Không bằng lòng với cuộc sống chỉ đủ ăn, đủ mặc, anh Sinh còn khai hoang, vỡ hóa đất để trồng thêm mì, cau và nhiều diện tích cây quả... Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nên hằng năm, anh Sinh nuôi hàng chục con trâu, bò, hàng trăm con gà, vịt thả vườn, làm thêm lúa nước... Đặc biệt, từ nguồn vốn vay, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi heo ki mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gia đình anh Sinh không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn trở thành nông dân trẻ tiêu biểu của địa phương trong phát triển kinh tế.
 
Anh Sinh cho biết: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi thì hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số rất khó có thể phát triển kinh tế, thoát nghèo được. Mong Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi hơn để giúp người dân miền núi phát triển kinh tế gia đình”.
 
Tương tự, chị Đinh Thị Trỉa, thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh cũng vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để trồng keo và nuôi bò. Theo chị Trỉa, nguồn vốn này tuy không nhiều, nhưng cũng đã giúp chị có tiền mua cây, con giống về trồng, nâng cao thu nhập cho gia đình.
 
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây, đa phần các hộ dân khi vay vốn đều phát huy nguồn vốn vay, thoát nghèo bền vững. Đến nay, dư nợ của nguồn vốn này lên đến trên 30 tỷ đồng, với gần 900 hộ còn dư nợ, là chương trình có dư nợ lớn thứ 2 trong số 14 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện.
 
Nỗ lực thu hồi nợ đến hạn
 
Bên cạnh công tác cho vay, đảm bảo cho tất cả hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây còn đẩy mạnh các giải pháp thu các khoản nợ đã đến hạn, nhất là chương trình cho vay làm nhà theo Quyết định 167/2008 của Chính phủ.
 
Huyện Sơn Tây là địa phương có tổng số hộ vay vốn làm nhà 167 thông qua Ngân hàng CSXH nhiều nhất tỉnh (gần 2.000 hộ vay vốn), với tổng số tiền khoảng 16 tỷ đồng. Theo quy định của chương trình cho vay làm "nhà 167", bắt đầu từ năm thứ 6 mới thu lãi, nhưng lại thu lãi của 5 năm trước đó, dẫn đến số lãi tăng cao, nhiều hộ không có khả năng trả nợ, gây áp lực cho việc thu nợ. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt nhiều giải pháp nên đến nay công tác thu nợ của Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
 
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây Trần Minh Thứ cho biết: Năm 2019, Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây đã thu được trên 3,2 tỷ đồng nợ gốc, đồng thời thu gần 1 tỷ đồng tiền lãi. Hiện còn khoảng 1.400 hộ còn dư nợ, với tổng dư nợ 11,2 tỷ đồng. Đa số các hộ vay nằm trong giai đoạn 2010 - 2012, nên năm 2020 đã đến hạn trả nợ gốc (tất toán). Chính vì vậy, ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn để đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, đảm bảo chất lượng tín dụng.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.