(Báo Quảng Ngai)- Quy định về thời gian lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá khá rõ ràng, nhưng ngư dân Quảng Ngãi thực hiện chưa nghiêm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store.
Nghị định 26/2019 NĐ-CP của Chính phủ quy định về lộ trình lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá nêu rõ: Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị GSHT trước ngày 1.7.2019; đối với tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước 1.1.2020; tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước 1.4.2020.
Còn nhiều tàu cá chưa thực hiện
Mặc dù đã hết thời hạn lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu có chiều dài từ 24m trở lên, nhưng toàn tỉnh hiện chỉ thực hiện được 57/174 chiếc. Đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m cũng sắp hết thời hạn lắp đặt thiết bị GSHT, nhưng đến thời điểm này cũng chỉ thực hiện được 87/3.177 chiếc.
Dù thời gian lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kết thúc vào ngày 1.4.2020, nhưng hiện toàn tỉnh chỉ có 144/3.351 tàu cá được lắp đặt. |
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, ngay sau khi Tổng cục Thủy sản thông báo hai loại thiết bị GSHT tàu cá (của VNPT và Đài Duyên hải) đáp ứng quy định và kỹ thuật, đơn vị đã triển khai thông tin và hướng dẫn chủ tàu trên địa bàn tỉnh tiến hành lắp đặt. Tuy nhiên, việc lắp đặt thiết bị GSHT chậm là do quá trình truy xuất dữ liệu gặp trục trặc trên hệ thống giám sát tàu cá; nhiều thiết bị Movimar gặp sự cố kỹ thuật...
Yêu cầu của thiết bị GSHT lắp đặt trên tàu cá là phải được kết nối đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá, được lắp đặt tại Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển. Dù vậy, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng nhu cầu truy xuất hành trình, thường xuyên không truy cập được dữ liệu và cảnh báo sai lộ trình, vị trí hoạt động của ngư dân... Điều này không chỉ khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, quản lý, mà ngư dân cũng ngại đầu tư lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá.
“Dù chi phí lắp đặt khá cao, từ 20 - 32 triệu đồng/thiết bị, nhưng hoạt động của thiết bị GSHT thường xuyên trục trặc, báo lỗi sai, nên tôi đắn đo, chưa muốn đầu tư”, ngư dân Phạm Sách, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết. Chính vì vậy, dù giấy phép khai thác thủy sản sẽ hết hạn vào 31.3.2020, nhưng đến thời điểm này, ông Sách vẫn chưa tiến hành lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá.
Kiên quyết xử lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính khiến ngư dân ngại lắp đặt hoặc có lắp đặt nhưng thường xuyên tắt thiết bị GSHT là vì sợ lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt tàu cá hoạt động khai thác thủy sản sai ngư trường. Như tàu hành nghề lưới kéo (giã cào), toàn tỉnh hiện có trên 1.500 chiếc, nhưng hầu như chưa tàu nào lắp đặt thiết bị GSHT, vì ngư dân thường xuyên vi phạm ngư trường khai thác.
Hay như với những tàu hành nghề lưới, lưới chuồn rút đều có chiều dài trên 15m, theo quy định thì phải khai thác ở vùng khơi, song vì nguồn lợi thủy hải sản suy giảm, nhiều tàu hành nghề lưới rút lại tập trung hoạt động ở khu vực gần bờ.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá của ngư dân. “Chi cục Thủy sản tỉnh kiên quyết không cấp mới, không gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT”, Trưởng phòng Quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) Lê Minh Đức khẳng định.
Xử phạt nặng những tàu cá vi phạm
Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5.7.2019. Theo đó, nếu chủ tàu không lắp đặt thiết bị GSHT, sẽ bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và từ 500 - 700 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên.
|
Bài, ảnh: MỸ HOA