(Baoquangngai.vn)-
Hơn 1 tháng qua, dịch lở mồm long móng (LMLM) bùng phát ở nhiều địa phương. Các hộ chăn nuôi điêu đứng vì bò nhiễm bệnh chết hàng loạt, bổng chốc mất trắng từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bò “ngã bệnh”, người chăn nuôi lo lắng
Hơn nửa tháng nay, gia đình ông Phan Minh Khánh ở thôn Liêm Quang, xã Bình Tân đang đứng ngồi không yên vì đàn bò của gia đình ông đồng loạt mắc bệnh LMLM. Cả đàn bò của ông 16 con nhưng trước Tết đã chết 3 con, giờ chỉ còn lại 13 con cũng đều mắc bệnh. Nhiều con lở loét ở miệng, móng, chảy nước dãi và bỏ ăn.
"Chết 3 con thiệt hại khoảng 45 triệu rồi, số còn lại chưa biết ra sao đây. Vay mượn mua bò về nuôi mà vầy thì đến khi nào mới trả được nợ", ông Khánh rầu rĩ.
Lo lắng cho đàn bò vì nó là cả một gia sản lớn của gia đình nên ông Khánh và vợ con ông quần quật cả ngày bên chuồng bò để theo dõi, chăm sóc đàn bò, vệ sinh chuồng trại và cho bò ăn uống. Nhiều con bị bệnh nặng ăn uống yếu, buộc ông phải bơm thức ăn cho bò rất vất vả.
Đàn bò của ông Khánh đã chết 3 con, thiệt hại khoảng hàng chục triệu đồng |
Dịch bệnh LMLM cũng khiến gia đình ông Võ Kế Đức, hàng xóm ông Khánh bị chết 1 con bò đực trị giá gần 40 triệu đồng vào sáng mùng 6 Tết. Đàn bò 8 con của ông Đức đều bị bệnh.
Bà Trần Thị La, vợ ông Đức thở dài: “Họ trả giá chưa kịp bán thì phát hiện bò nhiễm bệnh. Mấy ngày Tết vừ ăn không nổi, lo sốt vó, dồn sức chữa bệnh cho bò. Nhà nông tài sản dồn vào mấy con bò. Bò chết, trắng tay, không biết lấy tiền đâu cho 2 đứa đang học đại học mấy bữa vô trường”.
Cũng trong tâm trạng lo lắng như ông Khánh và bà La, mấy ngày qua anh Thới Hồng Thanh ở thôn Liêm Quang luôn quanh quẩn quanh bên đàn bò 6 con của mình, trong đó có 3 con mắc bệnh. Điều anh Thanh lo sợ nhất là bò sẽ chết, lúc đó số nợ 50 triệu đồng vay nợ ngân hàng để mua bò sẽ trở thành gánh nặng trong năm mới.
Các hộ dân đang rất lo lắng vì dịch bệnh LMLM tấn công đàn bò của mình |
Nhiều người nghi ngờ đàn bò được cấp phát cho những gia đình thuộc diện hộ nghèo theo Dự án phát triển sản xuất nông thôn mới mang mầm bệnh rồi lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến đàn bò của địa phương. Bởi, chỉ khoảng 2 ngày sau khi bò được bàn giao cho các hộ dân thì đã có 2 con bò của dự án bị dịch bệnh LMLM. Sau đó, hầu hết 25 con bò dự án cấp cho xã Bình Tân đều mắc bệnh.
Anh Phạm Hồng Thắng cho biết, trước khi nhận nuôi con bò dự án cấp cho mẹ ruột mình là bà Đào Thị Đến thì đàn bò của anh hoàn toàn khỏe mạnh. Con bò dự án vừa cấp về nuôi 2 ngày đã phát bệnh, sau đó thì cả đàn bò của anh bị nhiễm bệnh, đã chết 1 con nghé trị giá gần 20 triệu đồng.
“Bò dự án cấp đã tiêm phòng, không hiểu sao lại nhiễm bệnh trước rồi lây lan cho bò của dân. Bệnh đã lây sang cả đàn heo?”- anh Thắng nghi vấn.
Bò dự án cấp cho dân mang mầm bệnh ?
Thời điểm trước Tết, số lượng bò, trâu của xã Bình Tân bị nhiễm bệnh là 170 con thì nay đã tăng lên 636 con, trong đó 20/25 con bò thuộc dự án; có 30 con bò của dân đã chết, buộc tiêu hủy.
Trả lời về nghi vấn, đàn bò thuộc dự án hỗ trợ nhiễm bệnh, lây lan cho đàn bò của dân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Đào Duy Dương cho biết, trước khi đàn bò dự án cấp về cho dân, ổ dịch đã xuất hiện ở các xã lân cận và đàn bò của dân địa phương, nhưng người dân giấu dịch.
Khi bò dự án cấp về thì cả đàn bò trong dân và bò dự án đều phát bệnh đồng loạt nên chưa biết chính xác nguyên nhân lây lan từ nguồn nào. Số lượng bò dự án nhiễm bệnh đã được điều trị khỏi bệnh, còn số lượng bò chết là bò nuôi trong dân.
Xã đã tổ chức tuyên truyền, cử cán bộ thú y xuống tận các gia đình hướng dẫn cho bà con cách phòng tránh và điều trị khi vật nuôi nhiễm bệnh.
Địa phương đã tổ chức tiêu độc, khử trùng cả xã 3 lần và đang dự trữ 120 lít hóa chất, vài ngày tới sẽ tiêu độc, khử trùng môi trường lần thứ 4.
Hàng trăm con bò bị dịch bệnh, trong đó nhiều con đã chết, khiến người nông dân đứng ngồi không yên |
Nông dân đang gồng mình chống dịch LMLM |
Đại diện Công ty Nông Tín (đơn vị cung ứng bò cho dự án), ông Nguyễn Văn Tấn cho rằng, nhận định dịch bệnh lây lan từ bò của công ty là không có cơ sở. Vì thời điểm này, ổ dịch xuất hiện cùng thời điểm người dân nhận bò từ dự án.
Theo ông Tấn, số bò này công ty đã tiêm phòng bệnh LMLM và tụ huyết trùng, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng. Trước khi bàn giao cho xã Bình Tân, đơn vị đã mời đại diện chính quyền địa phương đến trang trại để kiểm tra, nghiệm thu.
Theo quy định thú y, thời gian tiêm phòng phải qua 10 ngày mới bàn giao cho dân, nhưng do người dân có nguyện vọng nhận bò trước Tết nên đơn vị bàn giao bò cho người dân sau 10 ngày tiêm phòng. Bò phát bệnh 5 - 7 ngày sau khi công ty bàn giao cho dân.
Để dập dịch, công ty đã cấp kinh phí, thuốc men, hóa chất, phối hợp với chính quyền địa phương điều trị, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực các gia đình có bò của dự án và khu vực xung quanh. Đến nay, đàn bò của dự án cấp đã khỏi bệnh, sức khỏe ổn định.
Nâng cao ý thức phòng, chống dịch
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, toàn huyện có 716 con bò ở 2 xã Bình Tân và Bình Phú bị nhiễm bệnh, trong đó có 38 con đã chết.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ cho biết, hiện dịch LMLM đã xuất hiện tại nhiều xã ở 2 huyện Đức Phổ và Bình Sơn. Theo ông Hạ, nguyên nhân dịch bệnh lây lan là do thời điểm giao mùa, luân chuyển, tái đàn. Hơn nữa, sau mùa đông, sức đề kháng của vật nuôi yếu nên dễ dịch bệnh dễ tấn công.
Tỷ lệ tiêm ngừa trên đàn bò, trâu của tỉnh là 80%. Hầu hết những con bị nhiễm bệnh chưa được tiêm ngừa vì thời điểm tiêm ngừa con vật già yếu, có chửa, bị ốm, con vật còn nhỏ nên bà con không chịu tiêm ngừa.
Dịch bệnh LMLM khiến nhiều hộ chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ |
Chính quyền địa phương đến tận nhà dân tuyên truyền phòng, chống dịch |
Về nghi vấn, bò dự án nhiễm bệnh lây lan cho đàn bò của dân tại xã Bình Tân, ông Hạ cho rằng, để đánh giá có phải nguồn dịch từ dự án hay không, tuần tới, chi cục sẽ cử lực lượng xuống xã Bình Tân trực tiếp đến các hộ gia đình kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá chính xác.
Chi cục xuất 10.000 liều vắc xin cho 2 huyện Bình Sơn và Đức Phổ để tiêm phòng bao vây, đồng thời cấp hóa chất để tiêu độc, khử trùng môi trường.
“Nông dân không nên tái đàn vào lúc này vì những vùng khác có thể đang ủ bệnh, bùng phát bất cứ lúc nào. Bà con cần tăng cường lực thức ăn cho con vật sau khi bị bệnh, giúp nhanh hồi phục sức khỏe. Chính quyền địa phương, cán bộ thú y cần quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không giấu dịch” - ông Hạ khuyến cáo.
Bài, ảnh:
A.KIỀU- H.P
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store. Xin cảm ơn!