(Báo Quảng Ngãi)- Nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và gỡ “thẻ vàng” thủy sản, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, các sở, ngành liên quan và chính quyền, hội, đoàn thể các địa phương ven biển trong tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tích cực vào cuộc
“Mình hoạt động khai thác đúng vùng khơi theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản (KTTS), nên phải lắp đặt và bật thiết bị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, để yên tâm làm ăn”, ngư dân Nguyễn Văn Tiễn, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết. Trong khi đó, ngư dân Phạm Thanh Vũ, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), cũng đang khẩn trương mua và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho chiếc tàu công suất 380CV, hành nghề lưới kéo.
“Đã là quy định pháp luật của nhà nước, mình phải chấp hành nghiêm túc. Với lại, việc lắp đặt và thường xuyên bật thiết bị giám sát hành trình, cũng là cách để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mình”, ông Vũ khẳng định.
Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra và quản lý việc ra, vào cảng của các tàu cá. |
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 3.474 tàu cá có chiều dài từ 15 - 24m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản. Trong đó, 70/174 tàu có chiều dài từ 24m trở lên và 30/3.300 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đến dưới 24m đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (ưu tiên cho tàu hành nghề lưới kéo và câu cá ngừ đại dương). So với các địa phương trong cả nước, tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn tỉnh chậm, do chi phí mua và lắp đặt thiết bị cao, nên ngư dân gặp khó.
Chi cục phó phụ trách Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn thông tin: "Từ nay đến trước ngày 1.4.2020, Chi cục Thủy sản tỉnh tích cực tuyên truyền và khuyến cáo ngư dân đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, để đảm bảo điều kiện vươn khơi. Vì sau ngày 1.4.2020, tàu không có thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng và không được cấp phép vươn khơi".
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU, nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban Châu Âu (EC), nhất là công tác quản lý tàu cá KTTS trên biển. “Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phải thực hiện nghiêm túc, gắn với việc quản lý tàu cá ra vào cảng.
Lực lượng Biên phòng và Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh phải xử lý các trường hợp tàu cá thiếu, hoặc không có giấy tờ đầy đủ. Nếu không thực hiện tốt, phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhấn mạnh.
Mặc dù từ cuối năm 2017 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là, mà tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bắt buộc từng chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tàu cá hoạt động KTTS; đảm bảo vệ sinh tại các cảng cá. Nếu tàu cá nào vi phạm, UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm theo luật định.
Cụ thể, công khai danh sách chủ tàu cá vi phạm IUU trên toàn quốc; tước giấy phép không cho chủ tàu tham gia hoạt động KTTS; kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, xã nếu để xảy ra tàu cá vi phạm KTTS trái phép tại vùng biển nước ngoài... Đối với những trường hợp vi phạm có tổ chức hoặc cố tình tái phạm, sẽ xem xét xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu bố trí kinh phí, đầu tư nâng cấp và sửa chữa hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất của 4 cảng cá, cảng neo đậu tàu thuyền là: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á và Sa Huỳnh, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn phân loại cảng cá loại 2, để tránh bị Bộ NN&PTNT “đóng cảng” sau ngày 30.9.2020.
Bài, ảnh: MỸ HOA