TIN LIÊN QUAN |
---|
Liên tục các vụ hành 2017 - 2019, nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hành trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn phấn khởi, vì hành trúng mùa, giá ổn định. “Đó là kết quả của việc sử dụng nguồn giống chất lượng, áp dụng kỹ thuật và quy trình thâm canh mới vào sản xuất”, ông Lê Hoài Ân, xã An Hải (Lý Sơn), cho biết. Với 5 sào hành, mọi năm, ông Ân gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh chết cây gây hại, nên năng suất hành chỉ đạt 2,5 - 2,8 tấn/ha.
Sử dụng giống chất lượng và ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, nên từ vụ hành 2017 đến nay, ông Ân phấn khởi vì hành được mùa. |
Tuy nhiên, từ khi ông Ân tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ với Công ty TNHH KH&CN Nông Tín, do UBND xã An Hải phối hợp thực hiện (với diện tích 30ha, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình NTM - PV), hiệu quả sản xuất đã nâng lên. Bởi lẽ lâu nay, nông dân trồng hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chứ chưa áp dụng các biện pháp xử lý giống và phát hiện, phòng trừ sâu bệnh, nên bị động trong việc phòng trừ dịch hại. Vì thế, khi tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật sản xuất, biện pháp canh tác mới, năng suất hành đạt 120 - 130 tấn/ha, tăng 40 - 50 tấn/ha so với phương thức sản xuất truyền thống.
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình NTM, các địa phương trên địa bàn huyện Tư Nghĩa đã thành công trong việc triển khai thực hiện mô hình trồng rau, củ, quả kết hợp chăn nuôi vỗ béo bò; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản... Không chỉ giúp nhiều hộ nông dân đạt doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm, mà những mô hình trên còn thay đổi ý thức sản xuất của người dân theo hướng hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình NTM, giai đoạn 2016 - 2018, nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương và của tỉnh đã bố trí trên 90,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương (từ 100 đến gần 300 triệu đồng/xã/năm) thực hiện việc xây dựng, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng hơn 300 mô hình phát triển sản xuất các loại. Trong đó, tập trung chủ yếu là các mô hình chăn nuôi (bò lai sinh sản, hươu lấy nhung, gà an toàn sinh học, heo bản địa...), trồng trọt (cây ăn quả, hành, tỏi...) và chuyển giao, ứng dụng cơ giới hóa sản xuất...
“Sự thành công của các mô hình không chỉ cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo”, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM Nguyễn Phúc Long khẳng định. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 97 xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo, tăng 59 xã so với năm 2015 và 82 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, tăng 33 xã so với năm 2015.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình NTM, thời gian tới, Văn phòng Điều phối chương trình NTM tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả việc thẩm định và triển khai các mô hình phát triển sản xuất theo hướng “trọng tâm, trọng điểm”. Theo đó, mỗi xã chỉ chọn 1 - 2 mô hình hỗ trợ sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu thị trường, không rập khuôn và dàn trải.
Bài, ảnh: THANH PHONG