(Baoquangngai.vn)- Nhờ tiếp thu, học hỏi kĩ thuật, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình kinh tế sang trồng nấm rơm, gia đình ông Bùi Quang Qua ở thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) đã có thu nhập trăm triệu đồng từ trồng nấm rơm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cách đây 10 năm, cuộc sống người dân ở xã Hành Thiện vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất lúa gạo và chăn nuôi. Tuy nhiên, các giống cây trồng vật nuôi này vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như nhiều hộ nông dân khác, ông Bùi Quang Qua quanh năm chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, nuôi thêm heo, gà cũng chỉ đủ xoay sở chi tiêu để nuôi 3 người con ăn học.
Để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp địa phương, năm 2006, Hội Nông dân xã phối hợp cùng Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành mở lớp dạy nghề trồng nấm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con. Khi tham gia lớp học này, ông Qua đã được hướng dẫn tận tay từ khâu chuẩn bị nơi trồng nấm, ngâm ủ nguyên liệu, cấy sống, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch.
Sau khi tham gia khóa học nghề, ông Qua mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, phát triển mô hình trồng nấm rơm tại nhà. Hiện tại, diện tích trồng nấm của ông đã được mở rộng lên hơn 200m2, tăng gấp 10 lần so với thời gian đầu. Với giá bán ổn định 60 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng/năm từ nấm rơm.
Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hội viên như hộ ông Bùi Quang Qua đã đầu tư vào phát triển trồng nấm rơm cho thu nhập cao |
Không chỉ có hộ ông Qua, trên địa bàn xã Hành Thiện ngày càng xuất hiện nhiều hội viên nông dân nghèo vươn lên thành hộ khá, giàu. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, nhiều hộ hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình mới để tăng hiệu quả sản xuất.
Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình trồng nấm rơm, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, mô hình sản xuất lúa giống, các mô hình nuôi dê, chăn nuôi gia cầm theo hướng sinh học...
Như ông Lữ Một, thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) chia sẻ: Sau khi tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, gia đình tôi đã quyết định chuyển đổi 5 ha đất rừng sang nuôi gà đồi. Nhờ áp dụng kiến thức học được trong công tác vệ sinh thú y mà gia đình tiết kiệm được khoản chi phí hàng chục triệu đồng/năm và bảo vệ được thành quả chăn nuôi trước các loại dịch bệnh.
Đến nay, số lượng đàn vật nuôi của gia đình lên đến hàng nghìn con. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm cây ăn quả nên mỗi năm cũng thu trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Văn Kỳ cho biết, việc hỗ trợ, định hướng cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất không chỉ hình thành nên vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng của địa phương, mà còn giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Toàn xã hiện có 687 hộ đạt danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp (14 hộ cấp tỉnh,159 hộ cấp huyện và 514 hộ cấp xã). "
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội ở cơ sở đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; phối hợp hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật… để tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu", ông Kỳ phấn khởi.
Bài, ảnh:
PV