Nhọc nhằn nghề câu

03:10, 12/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giá hải sản giảm hẳn so với cùng kỳ năm trước, sản lượng khai thác của một số nghề câu sụt giảm, nhưng ngư dân làm nghề câu trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực vượt khó, bền bỉ bám nghề.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ công

Cầm ống câu bằng nhựa gồm mấy mươi mét dây câu trắng xóa cùng 30 lưỡi câu sắc nhọn quấn quanh ống, ngư dân Đoàn Văn Hạnh, ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) giải thích: “Khi ra khơi, ngư dân chúng tôi sẽ gắn mồi là cá nục điếu, cá ngừ nhỏ... vào từng lưỡi câu, sau đó thả từng dây câu xuống biển. Chờ cho cá dính câu rồi dùng tay thâu dây câu, lôi cá lên thuyền.

Nghề câu tay là nghề câu truyền thống, mọi thứ đều làm theo cách thủ công, nên ngư dân chúng tôi phải thức và canh dây câu cả đêm, không thể nghỉ ngơi như các nghề đánh bắt khác”.

 Sản lượng và giá cá ngừ đại dương đều sụt giảm, nhưng ngư dân Phổ Châu (Đức Phổ) vẫn mạnh dạn đóng mới gần 40 tàu câu cá ngừ đại dương.
Sản lượng và giá cá ngừ đại dương đều sụt giảm, nhưng ngư dân Phổ Châu (Đức Phổ) vẫn mạnh dạn đóng mới gần 40 tàu câu cá ngừ đại dương.

Câu cá truyền thống, làm thủ công, nên bình quân mỗi chuyến biển kéo dài gần chục ngày ở vùng lộng (cách bờ khoảng 15 hải lý), ông Hạnh cùng 3 thuyền viên khác chỉ câu được khoảng 100 - 150 con cá hố, với tổng trọng lượng khoảng 100 - 200kg. Có những chuyến biển thất thu, ông chỉ thu được khoảng 30 - 50kg cá hố.

“Chi phí cho mỗi chuyến biển 7 – 8 ngày gần chục triệu đồng, nhưng sản lượng nghề câu thì không thể cao bằng các nghề lưới khác. Vì vậy, khi không dò được luồng cá, thì ngư dân làm nghề câu như chúng tôi xác định lỗ tổn”, ông Hạnh chia sẻ thêm.

Toàn tỉnh hiện có 970 tàu hành nghề câu, tăng 57 chiếc so với năm 2018. Trong đó, huyện Đức Phổ là địa phương có số lượng tàu hành nghề câu cao nhất tỉnh, với 382 tàu, tiếp sau đó là huyện Bình Sơn 296 tàu và TP.Quảng Ngãi 258 tàu. Huyện Đức Phổ cũng là địa phương có số lượng tàu hành nghề câu tăng so với năm 2018 nhiều nhất tỉnh (tăng 52 tàu).
Không chỉ kỳ công về phương thức đánh bắt, nghề câu còn đòi hỏi người làm nghề phải bảo quản cá khá công phu để đảm bảo chất lượng cá sau khai thác.
 
“Con cá câu khi vừa lôi lên tàu, phải giữ cho cá không quẫy đạp nhiều và lập tức lôi ruột cá ra ngoài, rồi mới bảo quản vào hầm đá. Có như thế mới giữ cho cá tươi ngon và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Đặng Văn Hùng, chủ tàu chuyên câu cá hố ở xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) cho hay.

Giá thu mua thấp

Từ đầu năm đến nay, ngư dân xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) thắng lớn nhờ dò được luồng cá hố khơi. Sản lượng khai thác tăng, nhưng ngư dân làng chài câu cá hố khơi Nghĩa Phú lại không có được niềm vui trọn vẹn, vì giá cá hố đang hạ.
 
Thời điểm hiện tại, giá cá hố câu khơi chỉ ở mức 110.000 - 120.000 đồng/kg, giảm từ 30.000 - 40.000 đồng/kg so với tháng trước và giảm nhiều so với năm trước.
 
“Đây là giá thấp kỷ lục trong những năm qua. Mức giá này không hề tương xứng với chất lượng. Bởi đây là cá hố câu đạt trọng lượng từ 2 -  3kg. Với mức giá này, dù câu được gần 3 tấn cá hố, nhưng thu nhập của tàu bị giảm gần 150 triệu đồng so với chuyến biển trước”, ngư dân Đặng Văn Hùng cho biết.
 
Không chỉ ngư dân làng chuyên câu cá hố khơi Nghĩa Phú ngậm ngùi, mà ngư dân làng câu cá ngừ đại dương tại xã Phổ Châu (Đức Phổ) cũng đang lao đao, vì sản lượng đánh bắt lẫn giá cả đều đang sụt giảm.
 
Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá hố câu vùng lộng sụt giảm, khiến nhiều ngư dân làng câu An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ TP.Quảng Ngãi đành xếp lại dụng cụ câu tay.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá hố câu vùng lộng sụt giảm, khiến nhiều ngư dân làng câu An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ TP.Quảng Ngãi đành xếp lại dụng cụ câu tay.

Nếu như năm trước, giá cá ngừ đại dương ở mức 115.000 – 120.000 đồng/kg, thì từ tháng 5.2019 đến nay, giá cá ngừ đại dương chỉ còn ở mức 100.000 – 105.000 đồng/kg.

Giá cá ngừ đại dương giảm, giá nhiên liệu thì không ngừng tăng, trong khi đó sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Phổ Châu từ đầu năm đến nay liên tục giảm sút. Những chuyến biển từ tháng 5 - 7.2019, có đến 90% số tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương trên địa bàn xã Phổ Châu bị lỗ chi phí, vì sản lượng đánh bắt đạt thấp.

Theo đánh giá của Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) Lê Minh Đức: “Hai năm trở lại đây, nghề câu trên địa bàn tỉnh đang phát triển trở lại. Là nghề khai thác thủy sản chọn lọc, bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, nhưng nghề câu lại khá vất vả so với các nghề khác, nên chủ tàu thường gặp khó trong khâu tìm kiếm thuyền viên đi biển”.

Cũng theo ông Đức, từ đầu năm đến nay, các tàu làm nghề câu trên địa bàn tỉnh khi đánh bắt tại vùng biển nhà giàn DK1 thì liên tục thắng lớn, còn vùng biển Vịnh Bắc Bộ thì chưa đạt được kết quả như mong muốn, sản lượng sụt giảm nhiều so với năm trước.


Bài, ảnh: Ý THU



 

.