Thị trường dăm gỗ: Cảnh báo từ những bất thường

10:10, 11/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Công thương đã gặp gỡ các doanh nghiệp (DN), địa phương và ngành chức năng để giải quyết các trạm thu mua gỗ nguyên liệu tự phát. Qua đó đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề khiến việc sản xuất, tiêu thụ dăm gỗ gặp khó trong thời gian qua.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều trạm thu mua trái phép

Theo báo cáo của UBND các huyện và lực lượng chức năng, toàn tỉnh hiện có 22 trạm thu mua gỗ keo đang hoạt động tại các huyện Ba Tơ (9 trạm), Sơn Hà (3), Sơn Tây (2), Minh Long (4), Trà Bồng (1), Nghĩa Hành (4); trong đó có nhiều trạm thu mua trái phép.
Chế biến gỗ dăm xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Chế biến dăm gỗ Thượng Hải (Ba Tơ).
Chế biến gỗ dăm xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Chế biến dăm gỗ Thượng Hải (Ba Tơ).
Sau khi nhận được phản ánh của các DN sản xuất dăm gỗ xuất khẩu về việc các trạm thu mua keo trái phép, UBND các huyện đã tập trung kiểm tra. Theo đó, UBND huyện Ba Tơ đã kiểm tra 9 trạm, trong đó 7/9 trạm có đăng ký kinh doanh, nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động do chưa hoàn tất về thủ tục đất đai, xây dựng. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu tạm dừng hoạt động 4/9 trạm, nhưng thực tế đến nay các trạm này vẫn hoạt động bình thường.

Huyện Sơn Tây có 2 trạm cân của 2 DN là Công ty TNHH MTV thương mại Tân Tạo Tiến, ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung và Xí nghiệp xây dựng Tấn Nguyên, ở thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh hoạt động không đúng quy định của pháp luật, chưa đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp. UBND huyện Sơn Tây đã lập biên bản đình chỉ hoạt động. Tại huyện Nghĩa Hành, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành đã xử phạt 20 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chấm dứt việc mua bán gỗ keo nguyên liệu tại trạm thu mua trái phép của Công ty TNHH Chế biến và Thương mại Minh Xuân, ở Cụm công nghiệp Đồng Dinh (thị trấn Chợ Chùa).

Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tính đến thời điểm hiện nay, việc lập trạm thu mua gỗ keo ở huyện Ba Tơ là nhiều nhất, với 9 trạm. Với giá thu mua thấp hơn so với giá các nhà máy thu mua, trong khi đường vận chuyển lại ngắn hơn, giảm chi phí chuyên chở, nên người dân thường bán cho các trạm thu mua này. Hiện tại, giá keo nhà máy mua của người dân ở mức 1.140.000 đồng/tấn, còn các trạm thu mua trái phép mua khoảng 1.100.000 đồng/tấn. Nếu bán cho các trạm thu mua thì người dân chỉ tốn tiền vận chuyển khoảng 50.000 - 100.000 đồng/tấn; còn đưa về đến nhà máy thì tiền vận chuyển cao hơn, bình quân từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Thượng Hải (Ba Tơ) Bùi Văn Mai cho biết: "Nhà máy chỉ thu mua được khoảng 25% nguyên liệu so với trước đây. Trong vòng 4 năm qua, đây là thời điểm khó khăn nhất trong hoạt động sản xuất của nhà máy. Thật sự nhà máy không lo đầu ra sản phẩm dăm gỗ, mà chỉ lo đầu vào là nguyên liệu gỗ keo. Nếu chính quyền và ngành chức năng không có giải pháp hỗ trợ DN làm ăn chân chính, thì nhiều DN sẽ không thể tiếp tục hoạt động".

Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà, Sở đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát, kiểm tra hoạt động thu mua gỗ keo trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh, kiểm định trạm cân và các điều kiện pháp lý khác có liên quan... Trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng, xe quá tải, quá khổ trong quá trình vận chuyển gỗ keo, đảm bảo an toàn giao thông.

Bài, ảnh: THANH NHỊ


 

.