Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

09:10, 12/10/2019
.
(Baoquangngai.vn)- 15 năm sau ngày Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải kí Quyết định lấy ngày 13/10 là 'Ngày Doanh nhân Việt Nam', doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
 
Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử kinh tế Việt Nam, khi doanh nhân được thừa nhận có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.
 
Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 13/10/1945).
 
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.
 
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.
 
Sau 15 năm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và hơn 5 năm Nghị quyết 09-NQ-TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, thực tế đã khẳng định ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945.
 
Trong giai đoạn đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước.
 
Ngoài ra, ngày doanh nhân Việt Nam còn là một lời nhắc nhở, động viên đội ngũ doanh nhân cần phát huy vai trò cũng như truyền thống của mình và cũng như một lời nhắc nhở mọi tầng lớp trong xã hội cần phải xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân, phát triển các doanh nghiệp lớn mạnh. Mục tiêu là đáp ứng sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa nước nhà.
 
Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải còn dặn dò việc lấy 13/10 hằng năm làm ngày doanh nhân Việt Nam. Khi tổ chức kỷ niệm, thủ tướng lưu ý rất kỹ việc tổ chức tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và tránh việc tổ chức hình thức. Ngày doanh nhân Việt Nam cần được tổ chức đảm bảo được nhiều yêu cầu. Cụ thể:
 
Thứ nhất là giáo dục được tinh thần yêu nước, tự lập, tự cường, chủ động trong việc sáng tạo của doanh nhân Việt. Thêm nữa, cần phải động viên được phong trào kinh doanh, sản xuất, nâng cao đạo đức, kỷ luật, văn hóa trong kinh doanh của doanh nhân và các doanh nghiệp.
 
Thứ hai là khi kỷ kiệm có khen thưởng, biểu dương đối với những người kinh doanh giỏi, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách nêu ra của Đáng và pháp luật.
 
PV

 


.