(Báo Quảng Ngãi)- Từ sau khi cảng nước sâu Dung Quất được phát hiện, “đánh thức”, Nhà máy lọc dầu số 1 của đất nước được xây dựng và KKT Dung Quất hình thành, miền cát trắng khô cằn thuộc các xã phía đông bắc huyện Bình Sơn đã vươn mình lớn dậy, đi lên cùng sự phát triển vượt bậc của Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Về lại Dung Quất một ngày cuối tháng 8 này, nơi đây hiện như một “đại công trường” với sự triển khai nhộn nhịp của các dự án đầu tư. Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (BQL) Đàm Minh Lễ chia sẻ: “Sự phát triển của KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu GRDP của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp (CN), tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương”.
Sức lan tỏa từ 4 dự án lớn
Dẫn chúng tôi đi khảo sát một số công trình, dự án lớn trên địa bàn KKT Dung Quất, ông Đàm Minh Lễ bảo: KKT Dung Quất được nên dáng, nên hình như ngày hôm nay có công lao rất lớn của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, khi quyết định chọn nơi đây để xây dựng cảng biển và nhà máy lọc dầu (NMLD) đầu tiên của Việt Nam. Đây là một trong những dự án trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI.
Hệ thống cảng nước sâu Dung Quất là thế mạnh của tỉnh trong thu hút đầu tư. Ảnh: PV |
Bên cạnh NMLD Dung Quất còn 3 dự án lớn đầu tư vào KKT Dung Quất, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, đó là: Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan (Doosan Vina); Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi và gần đây là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Trong đó, Doosan Vina (vốn đầu tư 300 triệu USD, diện tích 110ha) đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tại Quảng Ngãi, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và là cầu nối trong việc xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Quảng Ngãi và Hàn Quốc. Còn với KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, với diện tích 660ha (giai đoạn 1) là KCN hiện đại nhất của tỉnh hiện nay, tạo điểm nhấn thu hút các dự án FDI vào Quảng Ngãi. Đến nay, KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 23 dự án đầu tư (22 dự án FDI và 1 dự án trong nước), với tổng vốn đăng ký 759 triệu USD; trong đó có 10 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 7.600 lao động (dự kiến sau khi 23 dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 35.000 lao động).
Trong khi đó, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng) là dự án thép quy mô lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sau khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp ra thị trường 4 triệu tấn thép/năm. Tháng 8.2018, Nhà máy cán thép số 1 đã vận hành chạy thử cho ra những lô sản phẩm đầu tiên; dự kiến trong năm 2019 các nhà máy khác sẽ đi vào hoạt động đồng bộ. Hiện nay, DA đang sử dụng 5.000 lao động, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 sẽ cần khoảng 8.000 lao động.“Dự án thép Hòa Phát Dung Quất đã tạo cú huých cho sự phát triển của KKT Dung Quất và Quảng Ngãi. Không chỉ đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động, mà còn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các dự án phụ trợ cho ngành thép vào Quảng Ngãi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài nhận định.
“Trong thời gian đến, BQL sẽ chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, vướng mắc để các nhà đầu tư triển khai hoàn thành đúng tiến độ các dự án trọng điểm. Qua đó, tạo ra giai đoạn phát triển mới, từng bước đưa Dung Quất trở thành hạt nhân tăng trưởng, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi NGUYỄN MINH TÀI |
Theo ông Nguyễn Minh Tài, KKT Dung Quất được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công trong cả nước. Là điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện thành công chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo. Giai đoạn 2010 - 2018, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã đóng góp cao vào nguồn thu ngân sách tỉnh, góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước; giá trị sản xuất CN, xuất nhập khẩu chiếm hơn 80% của tỉnh.
Cùng với phát triển CN, việc đầu tư phát triển đô thị tại Dung Quất cũng được chú trọng. Đến nay, tại đô thị Vạn Tường đã đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cấp điện các tuyến đường. Trong 3 năm qua, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư các tuyến đường: Bình Long - Cảng Dung Quất (giai đoạn 2); cầu Trà Bồng; đường Trì Bình - Dung Quất; Kè chống sạt lở kết hợp cứu hộ, cứu nạn di dân, tái định cư, neo đậu tàu thuyền - đập Cà Ninh hạ hưu sông Trà Bồng...
Tính đến thời điểm này, KKT Dung Quất đã thu hút được 18 dự án về đô thị, dịch vụ đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.450 tỷ đồng; trong đó có các dự án đô thị, dịch vụ sắp triển khai, đáng chú ý có Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Quảng Ngãi. Đây sẽ là tiền đề để phát triển đô thị du lịch sinh thái Vạn Tường và các đô thị vệ tinh theo hướng thông minh.
PHẠM DANH