(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) ở tỉnh ta là cánh tay nối dài đắc lực, đưa nguồn vốn kịp thời đến với người dân. Tuy nhiên, để các Quỹ TDND hoạt động ổn định, an toàn, phát triển bền vững cần được sắp xếp, củng cố lại...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hoạt động hiệu quả
Đóng chân ở trung tâm TP.Quảng Ngãi - nơi có nhiều ngân hàng thương mại hoạt động, nên Quỹ TDND Trần Hưng Đạo luôn bị cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, với ưu điểm gần gũi, giải quyết thủ tục nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của người vay, nên đơn vị đã tạo được uy tín, niềm tin đối với khách hàng.
Giám đốc Quỹ TDND Trần Hưng Đạo Cao Văn Tình cho biết: “Đến cuối tháng 6.2019, tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị là 48 tỷ đồng, tổng nguồn vốn cho vay 58 tỷ đồng, với 332 khách hàng còn dư nợ...”.
Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi). |
Còn với Quỹ TDND Đức Phong, xã Đức Phong (Mộ Đức), từ nhiều năm nay đã trở thành cánh tay nối dài đắc lực, đưa nguồn vốn kịp thời đến với người dân nông thôn. Đến nay, đơn vị đã mở rộng mạng lưới hoạt động ra cả xã Đức Minh và Đức Lân, tạo điều kiện để các thành viên cũng như người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thống, hạn chế sử dụng nguồn vốn “tín dụng đen”.
Đến cuối tháng 6.2019, toàn tỉnh có 13 Quỹ TDND đang hoạt động, với trên 18.900 thành viên, tăng thêm 191 thành viên so với cuối năm 2018. Tổng vốn huy động đạt gần 120 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 400 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2018, nợ xấu trên 2,2 tỷ đồng, chiếm 0,55% tổng dư nợ (giới hạn cho phép là 3%)… |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời gian qua, hoạt động của hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định; các chỉ tiêu hoạt động cơ bản đều tăng trưởng và có lãi...
Trong quá trình hoạt động, các đơn vị đã tích cực tuyên truyền, kết nạp thành viên, tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi của thành viên và dân cư, cung ứng vốn kịp thời, tạo điều kiện để các thành viên phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Cần tiếp tục củng cố
Tuy có bước phát triển mới, song hoạt động của các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, như năng lực quản trị, điều hành hoạt động chưa thực sự hiệu quả; vốn điều lệ còn thấp, nên ảnh hưởng đến năng lực tài chính và mức cho vay...
Để các Quỹ TDND hoạt động hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ TDND.
Mục tiêu Chỉ thị 06 đề ra là tiếp tục chấn chỉnh, củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả của Quỹ TDND hiện có đi đôi với mở rộng các quỹ mới ở khu vực nông thôn. Nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành quỹ. Tăng cường vai trò, trách nhiệm, công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm ngăn ngừa, hạn chế và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật...
Giám đốc Quỹ TDND Đức Phong Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: "Thực hiện Chỉ thị 06/CP và phương án cơ cấu lại hoạt động của đơn vị gắn với xử lý nợ xấu, giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, đơn vị đã triển khai thực hiện các phương án được duyệt và chấp hành chế độ báo cáo tiến độ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị đang hoàn thành một số chỉ tiêu theo phương án như đáp ứng điều kiện hoạt động liên xã, xử lý nợ xấu, tỷ lệ tiền gửi của thành viên so với tổng mức tiền gửi đạt tối thiểu 60%, chuẩn bị nhân sự phù hợp với quy định...".
Do đó, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06/CP sẽ góp phần đưa hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh ta phát triển ổn định, an toàn và bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và nông dân.