(Báo Quảng Ngãi)- Dăm gỗ, bột mì, dưa hấu, đường... là những mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu các mặt hàng này đang gặp không ít khó khăn, nhất là xuất vào thị trường Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ùn ứ hàng trăm nghìn tấn dăm gỗ
Dù đang vào mùa thu hoạch gỗ keo nguyên liệu, nhưng các doanh nghiệp (DN) thu mua gỗ rừng vẫn không mặn mà, khiến người trồng rừng mất vui. Sau 4 - 5 năm trồng, chăm sóc, ông Trần Đình Châu, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cần bán rẫy keo gần 3ha, nhưng hơn một tuần qua, vẫn chưa tìm được người mua.
“Đầu tháng 5, giá keo nguyên liệu từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn, nhưng từ tháng 6 đến nay, giá keo rớt xuống dưới 1 triệu đồng/tấn. Tính ra, 3ha keo nếu có bán được cũng "mất" hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, cây keo đã đủ tuổi, không khai thác bây giờ, vào mùa mưa gãy đổ thì còn lỗ nặng hơn. Tôi hạ giá để bán, nhưng các thương lái đến xem cây rồi không trở lại”, ông Châu cho biết.
Dăm gỗ tồn ứ "thành núi" tại Nhà máy gỗ dăm Nhất Hưng Sơn Hà do xuất khẩu gặp khó. |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có khoảng 100 nghìn hecta đất trồng keo. Trong đó, hơn 1/3 diện tích đang bước vào giai đoạn khai thác. Tuy nhiên, do giá keo sụt giảm mạnh cộng với các nhà máy chế biến gỗ dăm rơi vào tình trạng ùn ứ, nên người trồng rừng đang hết sức lo lắng.
Giám đốc Nhà máy chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Sơn Hà Mai Thế Vinh cho biết: Những năm trước, trung bình mỗi tháng nhà máy xuất khẩu 3 đợt, với khoảng 10.000 tấn/đợt, nhưng hiện nay, mỗi tháng chỉ xuất đi một đợt. Nếu không có phát sinh, phải mất ít nhất 3 tháng mới xuất bán hết số dăm gỗ đã băm, ước gần 30.000 tấn. Hàng xuất đi không được, nên nguồn vốn tái đầu tư cũng rất khó khăn.
Gian nan xuất khẩu sang Trung Quốc
Tại khu vực cảng Dung Quất, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện chở dăm gỗ cập bến, nhưng việc xuất khẩu đang rất khó khăn. Theo lãnh đạo một DN chế biến dăm gỗ, trước đây việc tiêu thụ thuận lợi, tàu chở dăm liên tục cập cảng, nhưng nay mỗi tuần chỉ có 1 - 3 tàu. Được biết, thị trường dăm gỗ xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất đi Trung Quốc, nhưng hiện nay thị trường này đang siết lại việc nhập hàng, cộng với số lượng nhà máy chế biến gỗ dăm tăng lên, dẫn đến cung vượt cầu.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, thị trường tiêu thụ hàng nông, lâm sản truyền thống của tỉnh chủ yếu là Trung Quốc, nhưng từ cuối năm 2018, nước này đã ban hành nhiều quy định siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa nông, lâm sản từ Việt Nam, trong đó áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc nhập khẩu, nên sản lượng xuất khẩu của tỉnh giảm mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị.
Trước đây, việc xuất khẩu hàng nông, lâm sản của tỉnh chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhưng theo quy định mới, Trung Quốc giám sát chặt các mặt hàng tạm nhập tái xuất, những mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính ngạch.
Riêng dưa hấu, một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực đang gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc quy định, dưa hấu chở sang không được lót rơm, mà phải dùng xốp lưới, hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái cây. Đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc, nhưng phải in mã vạch và thông tin truy xuất nguồn gốc...
Tránh phụ thuộc vào một thị trường Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, trước mắt, để đảm bảo các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu ổn định, cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, đăng ký xuất xứ, gắn nhãn mác rõ ràng. Đối với mặt hàng dăm gỗ, các DN phải tìm hướng xuất khẩu mới, tránh tình trạng phụ thuộc vào một thị trường, để chủ động trong việc sản xuất kinh doanh. |