(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình dịch tả heo Châu Phi (ASF) đang diễn biến phức tạp, lây lan và bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ngành chăn nuôi. Vì vậy, công tác ứng phó và ngăn chặn đang được các cấp, ngành, địa phương tăng cường thực hiện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Việc ứng phó, ngăn chặn sự lây lan của bệnh ASF rất phức tạp và khó khăn. Nguyên nhân là do bệnh ASF không có thuốc chữa, cũng không có vắcxin phòng ngừa, phần vì triệu chứng và biểu hiện tương đối giống với một số bệnh như: Dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng... khiến người chăn nuôi dễ nhầm lẫn, dẫn đến chậm phát hiện và xử lý”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ cho biết. Trong khi đó, phương thức chăn nuôi của người dân phần lớn là nhỏ lẻ, nên hầu hết các ổ dịch xảy ra ở hộ gia đình với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư.
Người dân miền núi trong tỉnh còn tập quán chăn nuôi thả rông, nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch ASF từ huyện Nam Trà My (Quảng Nam). |
Đặc biệt, bệnh ASF đã xuất hiện tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), nguy cơ lan sang các địa phương lân cận của Quảng Ngãi là rất lớn. Vì vậy, để tránh tình trạng dịch xuất hiện và lây lan từ miền núi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về biểu hiện, triệu chứng cũng như hậu quả của bệnh ASF; đồng thời tập trung tiêu độc, khử trùng môi trường và tiêm phòng vắcxin ngừa các bệnh trên đàn gia súc ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, người dân miền núi hiện còn thờ ơ với dịch ASF, cộng với tập quán chăn nuôi heo thả rông, nên nguy cơ lây lan dịch là rất cao.
Đến thời điểm này, dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện tại xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 100 con heo mắc bệnh và tổ chức tiêu độc, khử trùng, giám sát môi trường quanh ổ dịch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi di chuyển từ vùng dịch, gây lây lan. |
Điều lo ngại nữa là, công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm thịt heo giữa các địa phương vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ngoài Trạm Kiểm dịch động vật, hầu hết các tỉnh, thành phố đều lập tổ, chốt kiểm dịch lưu động, nhưng tình trạng “lọt” chốt vẫn xảy ra.
Trước tình trạng này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đã trực tiếp kiểm tra tình hình hoạt động của các trạm kiểm dịch, tổ kiểm dịch lưu động; đồng thời quán triệt tinh thần, trách nhiệm làm việc của các cán bộ, nhân viên. “Nếu trạm, tổ kiểm dịch nào để xảy ra tình trạng xe vận chuyển heo, các sản phẩm thịt heo mắc bệnh ASF “lọt qua”, thì cán bộ, nhân viên ở đó sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Tô nhấn mạnh.
Khó khăn hiện nay là, việc kiểm soát giết mổ động vật nói chung và heo nói riêng, do cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện trực tiếp thực hiện vào ban đêm (từ 1 - 5 giờ sáng), thời gian xuyên suốt kể cả ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, nên không đủ nhân lực phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, chính quyền các xã, thị trấn tuy có triển khai công tác phòng chống dịch, nhưng chưa thực sự tập trung, quyết liệt.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhấn mạnh: Công tác phòng chống dịch ASF là nhiệm vụ hết sức quan trọng; các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tuân thủ các quy định, quy trình, đảm bảo từng khâu, từng giai đoạn. Đồng thời, tuyên truyền người dân ứng phó với dịch ASF theo phương châm “5 không”, gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín để nuôi heo.
Sở NN&PTNT khẩn trương thực hiện các thủ tục, tổ chức triển khai việc mua hóa chất và dụng cụ, thiết bị phục vụ công tác chống dịch ASF, từ nguồn kinh phí 4,6 tỷ đồng mà UBND tỉnh đã cấp.
Bài, ảnh: THANH PHONG