(Baoquangngai.vn)- Mộ Đức là địa phương đi đầu của Quảng Ngãi trong việc thu hút các dự án nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ bước đầu đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của huyện này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Màu xanh trên vùng cát trắng
Những ngày qua, anh Nguyễn Đức Cường, thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức luôn tất bật cho những đợt thu hoạch cây măng tây của gia đình mình. Với diện tích 1.500m2, sau 6 tháng trồng, cây măng tây đã bắt đầu cho thu hoạch. Tháng đầu tiên anh đã thu được hơn 4 tạ măng tây, và với giá bán hiện tại, 10 triệu đồng/tạ (được bao tiêu tại chỗ), anh đã thu về gần 40 triệu đồng. So với các cây trồng khác thì măng tăng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế nhất từ trước đến nay ở địa phương.
anh Nguyễn Đức Cường với diện tích cây măng tây của gia đình |
Anh Cường cho biết, vốn đầu tư ban đầu chỉ 27 triệu đồng, chủ yếu là hệ thống tưới tiêu. Cây măng tây cho thu hoạch từ 7-8 tháng. Điều đáng nói là đầu ra cây măng tây được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Hiện anh tiếp tục đầu tư mở rộng thêm trên 2.000m2 nữa để trồng măng tây.
Anh Bùi Đức Tường- Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đức Phong, huyện Mộ Đức cho biết, Đức Phong là vùng cát trắng, trước đây người dân chỉ biết trồng mì, mía, các loại rau màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Mô hình trồng măng tây đã mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây, đặc biệt là người dân đã tiếp cận được cách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch...
Cây măng tây đã phủ xanh nhiều vùng đất cát ở ven biển Mộ Đức |
Không chỉ ở Đức Phong, mà hiện nay nhiều vùng ven biển ở Mộ Đức cũng phát triển mạnh cây măng tây, như tại xã Đức Minh, Đức Thắng...
Hiện nay, Mộ Đức đã chuyển đổi được trên 5 ha đất cát sang trồng măng tây. Tất cả măng tây đều được Công ty Linh Đan Miền Trung bao tiêu toàn bộ. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cung ứng giống, chuyển giao công nghệ và phương pháp trồng măng tây cho các hộ dân.
Thu hút các dự án nông nghiệp hữa cơ
Không phải ngẫu nhiên mà một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam là Vinamilk lại chọn Mộ Đức để đầu tư một trang trại nuôi bò sữa qui mô trên diện tích 100ha với số vốn đầu tư là 700 tỷ đồng. Xã Đức Phú, nơi Vinamilk chọn làm vị trí xây dựng trang trại hiện nay đã hội tụ nhiều điều kiện khắt khe mà họ đưa ra như nguồn nước sạch, diện tích đất nơi đây vốn chỉ chủ yếu trồng mía và củ mì, những giống cây trồng hầu như phát triển tốt mà không cần bón phân và phun thuốc trừ sâu.
Rồi hơn 1 năm qua, Tập đoàn Trần Việt đã cùng với Hiệp Hội Savior Japan tiến hành khảo sát các điều kiện tự nhiên như khí hậu, lượng mưa, độ ẩm và thổ nhưỡng, để đưa ra kết luận vùng đất tại huyện Mộ Đức thích hợp cho canh tác nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì lý do đó, Tập đoàn Trần Việt và Hiệp hội Savior Japan đã thống nhất đầu tư, hợp tác và triển khai dự án đầu tư công nghệ sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo công thức SUZUKI tại địa phương này.
Ông Mr.Imachi - Giám đốc kinh doanh của Hiệp hội Savior Japan cho biết: Hiện nay, với các công trình nghiên cứu của giáo sư SUZUKI về “quy trình công nghệ tuần hoàn carbon” sẽ hạn chế hoàn toàn các chất độc hại trong sản phẩm cũng như kim loại nặng. Dự kiến, Hiệp Hội Savior và Tập Đoàn Trần Việt sẽ mở rộng quy mô sản xuất tại huyện Mộ Đức trên diện tích khoảng 500-600ha, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Tập đoàn Trần Việt và Hiệp hội Savior Japan ký kết đầu tư, hợp tác và triển khai dự án đầu tư công nghệ sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo công thức SUZUKI tại Mộ Đức |
Rồi Công ty Sản phẩm hữu cơ Shirataki Bio Sangyo (Nhật Bản) cũng quyết định chọn Mộ Đức để đầu tư trồng tỏi voi và sản phẩm phân hữu cơ ở huyện Mộ Đức. Ông Masanobu Nakamura- Giám đốc kinh doanh Công ty Sản phẩm hữu cơ Shirataki Bio Sangyo cho biết, sau hai năm tìm hiểu điều kiện, thổ nhưỡng nông thôn ở Quảng Ngãi, chúng tôi thấy Mộ Đức là vùng đất phù hợp cho phát triển giống tỏi voi.
Chủ tịch UBND Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho biết, những năm qua đã chú trọng thu hút đầu tư, nhất là các dự án nông nghiệp hữa cơ. Tuy nhiên để làm được điều này, Mộ Đức đã mạnh dạn gọi mời các nhà khoa học đến khảo sát thực địa về tiềm năng cũng như đưa ra những định hướng phát triển.
Điều đáng mừng là, qua khảo sát các nhà khoa học khẳng định rằng, thổ nhưỡng của vùng đất này hoàn toàn phù hợp để nông nghiệp hữu cơ phát triển. Mộ Đức có lẽ là huyện duy nhất ở Quảng Ngãi còn lưu trữ được nhiều diện tích đất sạch để phát triển nông nghiệp hữu cơ mà khó có nơi nào có được. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sạch đã chọn Mộ Đức để triển khai dự án.
Có thể nói, phát triển nông nghiệp hữa cơ tuy không phải là hướng phát triển mới, nhưng lâu nay nhiều địa phương vẫn chưa thành công do phát triển manh mún, tự phát, chưa có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương cũng như sự gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp. Với cách làm của huyện Mộ Đức, đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác muốn theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, hữa cơ.
Bài, ảnh: M.Toàn