(Baoquangngai.vn)- Mía đã quá hạn thu hoạch héo khô thân lẫn ngọn, bán không ai mua, cho không ai lấy, người trồng mía phải bấm bụng đốt bỏ ruộng mía để lấy đất xuống giống cây trồng khác.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cho cả mía phụ thêm công
Về xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Tịnh Hà (Sơn Tịnh) - vùng đất từng là “thủ phủ” mía một thời vào những ngày này, hai bên đường những cánh đồng mía đã quá kỳ thu hoạch héo khô, ngã la liệt. Nông dân chạy kiếm thương lái bán mía, nhưng không ai mặn mà mua, thậm chí cho cũng không muốn lấy vì lỗ công chặt, vận chuyển.
Thân hình gầy gò, bước xiêu vẹo trên đồng mía, bà Nguyễn Thị Tình (79 tuổi), ở xóm Mỹ Yên, xã Tịnh Hà chua chát nhìn thành quả lao động sau một năm cần mẫn chăm bón của mình thành tay trắng.
Tuổi già không dựa dẫm vào con cái, bà Tình thuê người làm 2 sào mía kiếm chút tiền phòng thân lúc ốm đau, múc từng xô nước dưới bàu tưới cho mía, giải nắng dầm mưa xới đất, lật cỏ.
|
Bà Nguyễn Thị Tình xót xa vì mất trắng 2 sào mía.
|
Bà Tình rầu rĩ nói: “Đến lúc thu hoạch bán không ai mua, cho không ai lấy, nài nỉ mãi mới có một ông thương lái thương tình tuổi già chặt mía giúp để tôi lấy đất trồng mì”.
Hàng xóm bà Tình, bà Nguyễn Thị Xuân Việt cũng khóc giữa đồng mía khi 5 sào mía của gia đình đã quá kỳ thu hoạch, chết khô dần đành cho thương lái còn bù thêm công thu hoạch.
Năm ngoái, bà Việt bán trọn gói cho thương lái được 1,5 - 2 triệu đồng/sào, nay cho không ai muốn lấy, bà phải ra tay phụ giúp đốn, róc hoặc bù thêm 500.000 đồng/sào bù tiền công họ mới chịu thu hoạch giúp.
“Không cho thì lấy đất đâu mà làm, đốt thì sợ cháy lan sang hoa màu người khác không có tiền đền. Có ai khổ như người trồng mía? Chúng tôi nói vui vụ mía này là “mía cẩn” - bà Việt xót xa.
Mía này lẽ ra thu hoạch hồi tháng 11 năm ngoái, nhưng thời điểm đó Nhà máy Đường Phổ Phong chưa thu mua. Nay đã quá hạn, mía khô rốc, ngã xiêu vẹo, 10 cây đã 4 cây khô nên năng suất giảm thê thảm.
|
Ruộng mía héo khô vì bán không ai mua, cho không ai lấy.
|
Ông Nguyễn Chánh, ở xóm Mỹ Yên, xã Tịnh Hà, một tư thương chuyên thu mía của nông dân bán cho nhà máy gần 20 năm qua cho biết: Năm ngoái 1 sào thu được 5 tấn, nay khô quá còn có 3 tấn.
Mía họ cho không mà bỏ tiền thuê người ra đốn, vận chuyển, chất, vào tới nhà máy được hơn 8 chữ đường, vị chi được 630.000 đồng/tấn, 1 xe mía 10 tấn ông lỗ 300.000 đồng. Mấy ngày qua, đã có 12 người nài nỉ cho mía mà tôi không lấy.
Ứa nước mắt đốt mía
Chỉ tay về ruộng mía đã cháy khô trơ gốc, ông Chánh cho hay, đó là ruộng mía của ông Lai, hàng xóm nhà ông vừa đốt bỏ cả 12 sào, chấp nhận đi Sài Gòn làm thuê kiếm tiền hoàn trả cho nhà máy rồi “từ giã” cây mía.
Dạo trên các ruộng mía ở xóm Gò, thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, chúng tôi ghi nhận nhiều ruộng mía bạt ngàn cháy khô khốc, khói còn bốc lên nghi ngút, mía cây cháy khô đen sì nằm la liệt trên ruộng, chất đống trên bờ.
Cặm cụi gom mía đã cháy khô cột thành bó mang về làm củi, bà Bùi Thị Công Khanh (70 tuổi) mặt mũi nhem nhuốt vì dính bụi mía ứa nước mắt khi được hỏi đến mía.
Người trồng mía ứa nước mắt đốt bỏ mía.
|
Không chồng, già cả sống trông chờ vào mấy sào ruộng. Vụ trước, bà Khanh bán được 5 triệu đồng/sào, nay không ai mua, cho không ai lấy, bà đốt để dọn dẹp đất rồi trồng thứ khác.
“Vùng mình là truyền thống mía đường nên tôi rất muốn giữ cây mía, nhưng kiểu này có muốn cũng không được. Tôi đốt mía mà ứa nước mắt xót xa. Mọi người xung quanh cũng chuẩn bị đốt hết chứ để làm gì?” - bà Khanh chua chát.
Khốn khổ nhất là những nông dân nhận hỗ trợ phân bón, ngọn mía từ nhà máy. Mỗi sào, nông dân phải trả cho nhà máy tiền đầu tư phân bón và ngọn mía giống hơn 700.000 đồng vừa lỗ công thu hoạch, mất trắng khi đốt bỏ, lại phải bỏ tiền nhà ra trả lại cho nhà máy.
Cây mía là cây trồng cây chủ lực một thời, người nông dân rất muốn giữ diện tích trồng mía, nhưng trước tình cảnh khó khăn, nhất là như hiện nay, lại không có chính sách hỗ trợ giá, chắc chắn những người nông dân cuối cùng gắn bó với cây mía sẽ quay lưng lại với cây mía. Vùng nguyên liệu mía đang đứng được nguy cơ xóa sổ.
Video: Người dân đốt bỏ mía
Bài, ảnh: C.P