(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, huyện Trà Bồng đã đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa các mô hình kinh tế.
Trong những năm qua, huyện Trà Bồng đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung trong sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi.
Mô hình cây ăn quả tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Bạch Uyên mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Điển hình là mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Hành, ở xã Trà Tân, với tổng diện tích 4,7ha, được đầu tư khá quy mô. Trang trại sản xuất tổng hợp, gồm chăn nuôi heo, gà và trồng cây ăn quả. Riêng nuôi heo, ông Hành đầu tư 4 trại lớn, với trên 2.000 con heo mỗi năm. Mô hình không những giúp gia đình ông Hành phát triển kinh tế, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Mô hình nuôi cá trê, cá lóc, cá chình... của ông Đỗ Phận, ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn cũng mang lại nhiều hiệu quả. Nhờ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, ông Phận đã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương... Nhờ đó, trang trại của ông mỗi năm mang về thu nhập trên trăm triệu đồng.
Mô hình cây ăn quả gồm mít, mãng cầu, cam, bưởi, dừa xiêm... của gia đình chị Nguyễn Bạch Uyên, ở thôn Bình Đông, xã Trà Bình cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ biết trồng xen canh các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích đất, nên gia đình chị Uyên có nguồn thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Để phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, trong năm 2018, huyện Trà Bồng đã chuyển đổi hơn 10ha đất trồng keo để trồng nhiều giống cây ăn quả mới có giá trị kinh tế cao, theo hướng đầu tư tập trung, chuyên canh, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường, như cây sầu riêng không hạt, bưởi da xanh, mít thái, cam, dừa xiêm, dứa...
Bên cạnh đó, huyện Trà Bồng cũng ưu tiên, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế trang trại. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 12 trang trại, gia trại chăn nuôi heo quy mô lớn, 8 trang trại nuôi gà quy mô trên 2.000 con trở lên. Ngoài ra, huyện Trà Bồng còn phát triển một số cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, như nuôi hươu sao lấy nhung, với số lượng ban đầu khoảng 72 con và các dự án liên kết chăn nuôi, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm heo bản địa, bò lai sinh sản...
Tận dụng lợi thế của huyện miền núi, huyện Trà Bồng đã tập trung phát triển mô hình kinh tế lâm nghiệp, xây dựng 7 dự án vùng chuyên canh cây quế năm 2018 cho 365 hộ dân, nâng diện tích quế trồng mới trong năm 2018 là 320ha, tăng 80% so với năm 2017.
Theo lãnh đạo huyện Trà Bồng, thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, gắn với thị trường, nhằm phát triển ngành nông nghiệp với quy mô lớn, có giá trị cao; tập trung phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, đồi, trang trại...
Bài, ảnh: KN