Triển vọng mới cho Khu kinh tế Dung Quất

08:06, 13/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất phát triển KKT Dung Quất thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia.

TIN LIÊN QUAN

Tiềm năng, thế mạnh vượt trội
 

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trên địa bàn tỉnh có KKT Dung Quất, với diện tích 45.000ha, hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư hoàn thiện. Nơi đây, có NMLD Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Vina và KCN – đô thị - dịch vụ VSIP. Toàn tỉnh còn có 3 KCN và 18 cụm công nghiệp giữ vai trò vệ tinh, gắn kết sự phát triển của KKT Dung Quất.
 

Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong những năm tới khi Dung Quất trở thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia. Trong ảnh:  Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Sumida – KCN Tịnh Phong.
Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong những năm tới khi Dung Quất trở thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.
Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Sumida – KCN Tịnh Phong.


Thế mạnh công nghiệp của Quảng Ngãi thời gian qua là ngành lọc hóa dầu, với NMLD Dung Quất. Hiện tại, nhà máy đang thực hiện nâng cấp, mở rộng, nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm. Tại đây còn phát triển ngành cơ khí chế tạo và sản xuất kim loại, nhờ vào lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất. Trong đó, các sản phẩm công nghiệp nặng của Doosan Vina, như nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện, cẩu trục bốc dỡ hàng cho các cảng biển, thiết bị xử lý nước biển thành nước ngọt... được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, còn có Dự án Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát - Dung Quất, quy mô 4 triệu sản phẩm/năm, dự kiến hoàn thành đi vào sản xuất cuối năm 2019...
 

“Việc phát triển KKT Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia sẽ tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư các dự án sau hóa dầu vào KKT Dung Quất, đồng thời chủ động tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư tại KKT Dung Quất”.

Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG

 

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp Quảng Ngãi chưa vững chắc, còn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm trung gian, nguyên vật liệu chủ yếu là từ trong và ngoài nước. Số lượng các nhà sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, sản phẩm hỗ trợ chưa nhiều, chủ yếu là gia công và bao bì các loại, nhưng chất lượng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
 


Cơ hội để phát triển
 

Hiện nay, KKT Dung Quất đã hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư. Nơi đây đang hội tụ đủ các điều kiện để xây dựng, phát triển thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.

Ngoài Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Sembcorp cũng đang lập thủ tục, triển khai thực hiện dự án Nhà máy điện khí Dung Quất, gồm 3 tổ máy, sử dụng mỏ khí Cá Voi Xanh, với công suất mỗi tổ máy 750MW (dự kiến quý IV/2023 đưa vào vận hành 2 tổ máy và quý II/2024 đưa vào vận hành tổ máy còn lại). Các nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu, triển khai các dự án, như tuyến ống dẫn khí từ Nhà máy xử lý khí ở Chu Lai (Quảng Nam) về Nhà máy điện khí Dung Quất để phát điện, một phần về NMLD Dung Quất để hình thành tổ hợp lọc hóa dầu và hệ thống kho chứa khí phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, trước nhu cầu bức thiết về hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, tỉnh có định hướng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung ưu tiên phát triển những ngành hàng và sản phẩm hỗ trợ trực tiếp phục vụ cho ngành lọc hóa dầu; ngành cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại; ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ, dệt may, đóng tàu và ngành điện khí nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp của tỉnh, từng bước tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, Sở Công thương đang xây dựng Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã có ý kiến ủng hộ tỉnh thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh cũng đang kiến nghị Chính phủ thông qua mối quan hệ quốc tế, kêu gọi các tập đoàn dầu khí quốc tế, các quốc gia mạnh về dầu khí đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào Trung tâm Lọc hóa dầu quốc gia tại KKT Dung Quất.


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.