Triển vọng mới ở vùng đông Bình Sơn

07:04, 28/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hôm nay, về khu đông Bình Sơn, đi trên con đường Võ Văn Kiệt rộng thênh thang nối từ Quốc lộ 1 xuống cảng Dung Quất, ai cũng nhận ra sự đổi thay đến diệu kỳ. Những trảng cát trắng đầy cây bụi, những vùng đất bạc màu chỉ có thể trồng khoai củ ngày xưa đã “mọc” lên hàng loạt các công trình khang trang, hiện đại.

Khu đông Bình Sơn là địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt, như trận đầu tiên đánh Mỹ của quân dân xã Bình Đông (tháng 5.1965); chiến thắng Vạn Tường vang dội (tháng 8.1965). Đặc biệt là sáng kiến tạo ra “Vành đai diệt Mỹ”, góp thêm kinh nghiệm trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Một thời oanh liệt

Nằm cạnh căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Chu Lai, các xã khu đông Bình Sơn là nơi đế quốc Mỹ đổ quân đầu tiên trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Tuy nhiên, với sáng kiến hình thành “Vành đai diệt Mỹ”, cùng với thế trận chiến tranh nhân dân, quân và dân khu đông Bình Sơn đã chủ động, kiên trì, dũng cảm và mưu trí lập nên nhiều chiến công hiển hách.

 

Hạ tầng giao thông, cảng biển ở khu đông Bình Sơn đã và đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Hạ tầng giao thông, cảng biển ở khu đông Bình Sơn đã và đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Điển hình là trận đánh ngày 7.5.1965, một ca nô chở một tiểu đội Mỹ từ Chu Lai đi tuần tiễu đổ bộ lên Bến Lăng (xóm Cây Bàng, xã Bình Đông). Quân Mỹ vừa mới bước chân lên bờ, tiểu đội du kích xã Bình Đông đã đồng loạt nổ súng, bắn chìm ca nô tại chỗ, diệt 7 tên, thu 1 súng. Đây là trận đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường Quảng Ngãi. Tiếp đến, ngày 10.6.1965, du kích xã Bình Đông phối hợp với trinh sát Quân khu 5 chặn đánh quyết liệt 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ càn vào thôn Tân Hy, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, bắn cháy 1 xe tăng M118.

Riêng trong tháng 7.1965, du kích và lực lượng vũ trang trên “Vành đai diệt Mỹ” đã liên tiếp đánh trả 5 cuộc càn quét, lấn chiếm của quân Mỹ khi chúng mới vừa qua sông Trà Bồng sang vùng giải phóng, chiến đấu cả trên bộ, trên biển, bắn cháy xe tăng, xe bọc thép... Với những chiến công và kinh nghiệm xây dựng thế trận tác chiến trong “Vành đai diệt Mỹ”, xã Bình Đông được Đại hội chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang Quảng Ngãi tặng danh hiệu xã “Quyết thắng” và trở thành lá cờ đầu đánh Mỹ xâm lược.

Đến nay, KKT Dung Quất có khoảng 255 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 11 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện trên 6 tỷ USD. Giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ hằng năm ước đạt trên 80.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 10.580 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD...
Đổi thay từ Dung Quất

Sau giải phóng, các xã khu đông Bình Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh, trong khi điều kiện đất đai bạc màu, khí hậu khắc nghiệt và việc đánh bắt hải sản manh mún, nên kinh tế chậm phát triển, đời sống khó khăn.
 
Chỉ đến khi Dung Quất hình thành mô hình khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước, thì khu đông Bình Sơn mới chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Những nông dân chân lấm tay bùn đã chuyển sang buôn bán dịch vụ, để phát triển kinh tế gia đình.
 
Nhiều gia đình nhường đất để xây dựng các dự án lớn, được tái định cư vào sống trong những khu tái định cư khang trang, trở thành cư dân đô thị. Nhiều lao động được nhận vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp tại KKT Dung Quất và tham gia thi công xây dựng các dự án lớn ở Dung Quất đã có thu nhập và cuộc sống ổn định. Theo thống kê, KKT Dung Quất hiện giải quyết việc làm ổn định cho trên 33.000 lao động, phần lớn là lao động trong tỉnh, nhất là ở vùng khu đông Bình Sơn.

Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài cho biết, Dung Quất là một trong 5 KKT động lực của nước ta, với tổng diện tích trên 45.330ha. Hiện KKT Dung Quất và các KCN tỉnh giữ vai trò hạt nhân tăng trưởng đối với kinh tế-xã hội của tỉnh, đóng góp đến 90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách. Sự hình thành, phát triển của KKT Dung Quất đã tạo cơ hội đổi đời cho rất nhiều người dân và góp phần quan trọng làm đổi thay diện mạo các xã nông thôn, ven biển nơi đây.

Triển vọng mới

Bên cạnh các dự án lớn như NMLD Dung Quất, Doosan Vina, Khu VSIP Quảng Ngãi... đã và đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, KKT Dung Quất đang tiếp tục đón một “làn sóng” đầu tư mới, với nhiều dự án lớn đang và sắp triển khai như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn Hòa Phát); Dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh (Tập đoàn Exxon Mobil – Mỹ); Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp (Tập đoàn Messer - Đức); Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn (Tập đoàn FLC); Nhà máy cung cấp hơi nước (Tập đoàn Huyndai moto- Hàn Quốc)...
 

 

 Tuyến đường Võ Văn Kiệt được đầu tư xây dựng khang trang mở ra cơ hội phát triển cho các xã khu đông Bình Sơn.
Tuyến đường Võ Văn Kiệt được đầu tư xây dựng khang trang mở ra cơ hội phát triển cho các xã khu đông Bình Sơn.


Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC Lê Thành Vinh cho biết: Với diện tích quy hoạch trên 1.243ha (giai đoạn 1), Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn sẽ xây dựng các khu dân cư mới; khu du lịch nghỉ dưỡng biển; công trình hỗn hợp (khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng, tổ hợp vui chơi giải trí, trung tâm thương mại); sân golf 18 lỗ; các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế; công viên chuyên đề về đại dương...

Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục xây dựng các phân khu và kết nối, hình thành như một thành phố biển thông minh. “Chúng tôi cố gắng biến vùng đất hơn 4.000ha này trở thành khu du lịch lớn, tầm cỡ quốc gia, quốc tế; kết hợp với sân bay Chu Lai, để thu hút du khách trong, ngoài nước đến Quảng Ngãi”, ông Lê Thành Vinh cam kết.

Bên cạnh đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh và sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ngãi, dự án FLC Bình Châu – Lý Sơn còn mở ra cơ hội nghề nghiệp, việc làm rất lớn đối với người dân vùng đông Bình Sơn. Ngoài hàng nghìn lao động tại chỗ sẽ được nhà đầu tư tuyển dụng, đào tạo đưa vào làm việc trong quần thể du lịch (như cam kết ban đầu của nhà đầu tư), người dân ở các xã ven biển Bình Hải, Bình Châu, Bình Phú và huyện Lý Sơn sẽ chuyển đổi ngành nghề sang làm dịch vụ, du lịch... để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đó cũng là kỳ vọng của tỉnh đối với dự án FLC Bình Châu - Lý Sơn.


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.