(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận người dân, đặc biệt là người nghèo. Tuy nhiên, không phải ai có nhu cầu vay vốn XKLĐ cũng được giải quyết...
“Giấy phép con” gây khó
Thời gian gần đây, các huyện nghèo liên tục có văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong vấn đề giải quyết cho người nghèo vay vốn và chi phí khi XKLĐ. Trong đó, Sơn Hà là địa phương “nóng” hơn cả, khi một số hộ nghèo không được giải quyết vay vốn XKLĐ kịp thời.
Cán bộ huyện Sơn Tây vận động người dân tham gia vay vốn xuất khẩu lao động. |
Đầu tháng 10.2017, UBND huyện Sơn Hà có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) - Chi nhánh Quảng Ngãi kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong vay vốn đối với lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó nêu cụ thể 5 trường hợp: Đinh Văn Hiếu, Đinh Văn Sơn, Trần Thị Mỹ Hạnh, Trần Mạnh Đông (xã Sơn Thượng) và Nguyễn Hồng Quốc Phong (thị trấn Di Lăng) thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không được vay vốn để đóng các chi phí trước khi xuất cảnh.
Để có chi phí xuất cảnh, 5 trường hợp này phải vay ngoài với lãi suất 5%/tháng. Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước, người lao động được vay vốn tại Ngân hàng CSXH với lãi suất cho vay ưu đãi theo mức 0,275%/tháng đối với lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số và 0,55%/tháng đối với lao động cư trú tại huyện nghèo. Hiện tại các gia đình nói trên, hằng tháng phải gánh chịu chênh lệch lãi suất đối với khoản tiền vay ngoài so với vay Ngân hàng CSXH từ 4- 4,2 triệu đồng/tháng.
Nguyên nhân được lý giải tại Công văn 958/NHCS- TDNN ngày 14.4.2016 của Ngân hàng CSXH Việt Nam là: “Khi cho vay người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, Ngân hàng CSXH nơi cho vay phải căn cứ vào công văn từng đợt của Bộ LĐ-TB&XH, trong đó ghi rõ đất nước và nơi người lao động đến làm việc”. Tuy nhiên, hiện nay ở Sơn Hà và một số huyện nghèo khác trong tỉnh, các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng đều không có công văn của Bộ LĐ-TB&XH theo từng đợt. Vì thế không đủ điều kiện để cho vay. Và “công văn từng đợt” này được cho là một “giấy phép con” đang cản trở việc cho vay vốn XKLĐ.
Cần sớm tháo gỡ
Các DN tham gia tuyển dụng XKLĐ trên địa bàn tỉnh cho rằng, để đến các huyện nghèo của tỉnh vận động người dân đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, DN đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 đến nay, Bộ lại yêu cầu các DN khi tuyển dụng và đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải có công văn từng đợt, trong đó quy định số lượng, nơi đến làm việc. Công văn này gần như là “hạn ngạch” cho từng DN. Nếu không được cấp “công văn từng đợt” có nghĩa là DN dù có phép hoạt động trong lĩnh vực này cũng khó được xem là đủ điều kiện giúp người lao động vay vốn của ngân hàng chính sách để chi phí xuất cảnh. Để có “công văn từng đợt”, DN phải tốn kém chi phí, thời gian chờ đợi khi liên hệ xin Bộ LĐ-TB&XH giải quyết.
Còn UBND các huyện cho rằng, đây là một quy định rất “ngặt”, vì nó mà không ít người lao động cư trú tại các huyện nghèo mất cơ hội có việc làm, thu nhập, giảm nghèo bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Dương Viết Thanh, Bộ LĐ-TB&XH cần thống nhất với Ngân hàng CSXH Việt Nam sửa đổi quy định hiện nay và chỉ cần có “phiếu trả lời đăng ký hợp đồng cung ứng lao động của Cục Quản lý lao động nước ngoài” là đủ điều kiện cho vay. Nếu trong trường hợp không điều chỉnh đơn giản theo đề xuất nêu trên, Bộ cần giới thiệu DN có chức năng XKLĐ kịp thời về huyện nghèo để tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu của người dân và chính quyền địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Phòng KH – NV Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi Nguyễn Thanh Khoa, cho biết: “Các huyện nghèo, tỉnh và Chi nhánh cũng đã kiến nghị về Trung ương đề nghị tháo gỡ vướng mắc nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguồn tiền cho vay XKLĐ giải ngân không hết, trong khi người dân muốn vay lại không đủ điều kiện cho vay”.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, rà soát, tham mưu để tỉnh có kiến nghị với Trung ương sớm tháo gỡ vướng mắc này, tạo điều kiện để người dân huyện nghèo có thêm cơ hội tìm việc làm, có thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bài, ảnh: THANH NHỊ