(Báo Quảng Ngãi)- Môi trường đầu tư ở Quảng Ngãi thời gian qua đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ngãi năm 2016 lại tụt hạng, khi chỉ xếp thứ hạng 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 11 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2015.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để cải thiện tình hình, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của Quảng Ngãi năm 2017 và những năm tiếp theo, với những nhiệm vụ hết sức cụ thể được giao cho các sở, ban ngành liên quan.
Mỗi chỉ số thành phần đều có sở, ngành “chịu trách nhiệm”
Đó là một trong những điểm mới của kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của tỉnh được ban hành lần này. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho giám đốc các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm tham mưu cải thiện và nâng cao thứ hạng 10 chỉ số thành phần trong PCI. Cụ thể, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm đối với 3 chỉ số: Gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền tỉnh và cạnh tranh bình đẳng. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm 2 chỉ số: Chi phí thời gian và chi phí không chính thức. Sở TN&MT chịu trách nhiệm chỉ số tiếp cận đất đai. Sở TT&TT - tính minh bạch. Sở KH&CN – dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH– đào tạo lao động. Sở Tư pháp – thiết chế pháp lý.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (thứ 3 từ phải sang) đến thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất của Doosan Vina. |
Ngoài ra, tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với thủ trưởng các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong việc phối hợp, thực hiện trách nhiệm của mình để góp phần nâng cao chỉ số PCI. Điển hình như, đối với chỉ số gia nhập thị trường, ngoài giao nhiệm vụ chính cho Sở KH&ĐT, UBND tỉnh giao Giám đốc Sở TN&MT rà soát, xây dựng quy trình thống nhất giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, trình UBND tỉnh xem xét ban hành (hoàn thành trong quý IV/2017), nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư các dự án, công trình...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, người đứng đầu các cấp, ngành, đặc biệt là các huyện, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị. Quán triệt cho công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ DN. UBND tỉnh tổ chức đối với DN định kỳ ít nhất 2 lần/năm và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình “Cà phê doanh nhân” để gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN...
Phải xây dựng chính quyền phục vụ
Theo Giám đốc Công ty CP Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi (PTSC) Phạm Văn Hùng, DN luôn mong muốn các cấp chính quyền tỉnh thông thoáng để môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng tốt hơn. Muốn vậy, từ chủ trương đến hành động phải nhất quán và có sự tương tác từ phía tỉnh và DN. “Để cải thiện chỉ số PCI và môi trường đầu tư của Quảng Ngãi ngày càng tốt hơn, tỉnh phải xây dựng cho được chính quyền phục vụ, chính quyền làm dịch vụ, chính quyền kiến tạo và sau đó là chính quyền vì doanh nghiệp”, ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông Phạm Văn Hùng, cần phải xác định những cơ quan thường xuyên tiếp xúc với DN và đổi mới, làm quyết liệt, từ đó nhân rộng, phát triển. Nhiều khi chúng ta hô hào, mong đợi quá lớn, nhưng để đạt được kết quả cần phải đi từng bước một và tùy thuộc vào năng lực, nỗ lực, nguồn lực của mỗi tỉnh, mỗi cơ quan, chứ chúng ta không thể vội vàng được. Điều mà cộng đồng DN mong muốn hiện nay là chính quyền tạo ra những cơ chế và thực thi thông thoáng, nhanh để làm sao giảm thời gian không cần thiết. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, giúp DN tiếp cận thông tin mới để nâng cao năng suất lao động và nâng cao trình độ quản trị DN.
Theo một số chuyên gia kinh tế, để phát triển, Quảng Ngãi cần đặt mình trong mối tương quan với các địa phương lân cận, nhìn vào những thay đổi mà các địa phương khác đang chuyển mình. Có những địa phương ít thuận lợi hơn, nhưng họ biết cách chuyển hóa, biến cơ hội ít thành cơ hội nhiều hơn. Do đó, nếu muốn môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng cải thiện, từ lãnh đạo tỉnh đến chuyên viên trong hệ thống chính quyền phải thay đổi toàn diện về tư duy, cũng như hành động.
Bài, ảnh: PHẠM DANH