Cung ứng sản phẩm gỗ keo cho thị trường: Coi trọng chế biến sâu

02:05, 29/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ keo cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu đang đẩy mạnh chế biến sâu, hạn chế xuất thô sản phẩm gỗ dăm ra thị trường. Đây là hoạt động nhằm hướng đến nâng cao giá trị gỗ keo, tăng doanh thu cho DN và thu nhập của người trồng keo trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN

Lợi nhuận tăng nhiều lần

Bây giờ đang là mùa thu hoạch keo ở các huyện miền núi. Các nhà máy chế biến gỗ dăm hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, thay vì tất cả các cây gỗ keo khi thu mua về đều đưa vào máy băm, nhiều nhà máy đã chọn ra một số cây gỗ keo chất lượng để đưa vào chế biến sâu theo dạng gỗ xẻ hoặc đóng bàn ghế xuất khẩu.

 Bàn ghế chế biến từ gỗ keo để xuất khẩu của Công ty Hoàn Vũ (KCN Quảng Phú).                                Ảnh: T.N
Bàn ghế chế biến từ gỗ keo để xuất khẩu của Công ty Hoàn Vũ (KCN Quảng Phú). Ảnh: T.N


Tại Công ty Nhất Hưng (Sơn Hà), anh Cao Thành Được - phụ trách bộ phận thu mua cho biết: Bình quân mỗi ngày nhà máy thu mua từ 500 - 700 tấn gỗ keo, giá từ 1.000.000 - 1.050.000 đồng/tấn. Số nguyên liệu này đáp ứng khoảng 80% công suất. Những cây gỗ keo đạt chất lượng được tách riêng ra, chuyển về Nhà máy Nhất Hưng tại Dung Quất phục vụ chế biến thành sản phẩm bàn ghế xuất khẩu. Do đó doanh thu từ xuất sản phẩm chế biến sâu từ gỗ keo của Công ty Nhất Hưng đang nhích dần lên, tỷ trọng chiếm khoảng 40% so với các sản phẩm khác của công ty.

Công ty TNHH Hoàn Vũ hiện là DN chuyên sản xuất bàn ghế xuất khẩu sang các nước Châu Âu từ gỗ keo rừng trồng. Ông Lưu Văn Bảy - Giám đốc Công ty cho biết: "Gỗ keo nếu khéo chế biến bàn ghế cũng đạt tiêu chuẩn chất lượng Châu Âu. Thật ra, nếu chế biến sâu thì giá trị gỗ keo tăng gấp 10 lần so với băm dăm xuất khẩu. Vì vậy, theo tôi, cần chuyển hẳn việc trồng keo để phục vụ chế biến sâu mới là con đường đưa cây keo phát triển bền vững, đời sống người trồng keo khá hơn".
 

Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện có 21 nhà máy chế biến dăm gỗ. Tổng công suất chế biến của các nhà máy khoảng 1,7 triệu tấn gỗ tươi/năm. Dù các doanh nghiệp đều cam kết sẽ sản xuất kết hợp nhiều sản phẩm như gỗ dăm, gỗ xẻ, viên nén... nhưng khi đi vào hoạt động, hầu hết thời gian đầu các DN chỉ tập trung sản xuất gỗ dăm xuất khẩu. Để hạn chế tình trạng xuất nguyên liệu thô, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ keo, đảm bảo xuất thô giảm còn 30%; sản phẩm chế biến sâu đạt 70%.

Biến phụ phẩm thành sản phẩm chất lượng cao

Công ty TNHH MTV Hà Tân hoạt động tại cụm CN-TTCN La Hà (Tư Nghĩa) là một trong số ít DN sản xuất viên nén sinh học từ phụ phẩm của gỗ keo như lá, cành, vỏ. Khi người dân thu hoạch gỗ keo bán cho các nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu, những phần phụ còn lại được Công ty Hà Tân tận thu với giá rẻ, sau đó vận chuyển về nhà máy để chế biến thành viên nén sinh học. Tất cả cành, vỏ, lá được đưa vào máy băm, sau đó chuyển sang dây chuyền nén sản phẩm, tạo thành viên nén chất đốt.

Viên nén sinh học của Công ty Hà Tân là sản phẩm thân thiện với môi trường, được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Hiện tại, viên nén sinh học của Công ty Hà Tân được các nhà máy bia sử dụng để phục vụ sản xuất bia. Một số nhà máy sản xuất lốp xe cũng hợp tác với công ty để mua sản phẩm viên nén sinh học phục vụ sản xuất. Mỗi năm, chỉ tính riêng doanh thu từ viên nén sinh học của Nhà máy Hà Tân đạt hơn 500 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách huyện Tư Nghĩa khoảng 6 tỷ đồng.

Cần lắm đầu tư nhà máy chế biến lâm sản

Nhiều năm qua, chính quyền huyện Tây Trà đã bàn thảo việc kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản. Thế nhưng, vì không có nhà máy chế biến nên hiện nay người dân Tây Trà vẫn phải chấp nhận bán sản phẩm với giá thấp hơn nhiều so với các nơi khác.

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Trà, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện đã khai thác gần 4.000 tấn gỗ keo nguyên liệu; 120 tấn quế; 210 tấn đót và hơn 50 nghìn cây lồ ô. Theo tính toán, người dân Tây Trà bán keo thấp hơn từ 250 - 350 nghìn đồng/tấn so với các địa phương có nhà máy chế biến. Tính ra, với 4.000 tấn keo số tiền người trồng rừng ở Tây Trà chịu thiệt lên đến cả tỷ đồng. Con số này cho thấy, việc có nhà máy chế biến lâm sản ở Tây Trà là vô cùng cần thiết.

Ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, thời gian đến huyện sẽ rà soát, kiểm tra lại công tác thu hút đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh việc kêu gọi doanh nghiệp đến địa phương đầu tư nhà máy chế biến lâm sản để đáp ứng mong mỏi của người dân, cũng như dần hoàn thiện các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế của huyện theo hướng kết hợp công– lâm và tiểu thủ công nghiệp.

T.NHỊ - L.ĐỨC


 


.