(Báo Quảng Ngãi)- Việc sử dụng mạng xã hội (MXH), bên cạnh những lợi ích mang lại cho người dùng thì vẫn có một số hệ lụy nếu người dùng thiếu kiến thức, kỹ năng, nhất là đối với giới trẻ.
[links()]
Tính hai mặt của mạng xã hội
Với tính năng đa dạng, tính kết nối cao, độ phủ sóng rộng, MXH như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram... đã giúp giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên (HS, SV) thỏa mãn các nhu cầu tinh thần và phục vụ hoạt động học tập. Nếu sử dụng một cách thông minh, không dành quá nhiều thời gian cho MXH thì những trang mạng này sẽ giúp ích cho HS, SV trong việc học tập, giải trí. Em Nguyễn Trần Khánh Huyền, lớp 12C10, Trường THPT Trần Quốc Tuấn chia sẻ, em sử dụng MXH để kết nối bạn bè, cập nhật tin tức thời sự và tìm kiếm tài liệu học tập. Ngoài ra, MXH có tính năng giúp người sử dụng giải trí như nghe nhạc, xem phim...
Em Nguyễn Trần Khánh Huyền (bên trái), lớp 12C10, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, cùng bạn sử dụng mạng xã hội để giải trí sau thời gian học tập. |
Bên cạnh những lợi ích MXH mang lại, vẫn có nhiều bất cập, hệ lụy nếu người dùng thiếu kiến thức, kỹ năng, nhất là đối với giới trẻ. Việc sử dụng MXH quá nhiều dẫn đến lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, hạn chế tham gia các hoạt động ngoại khóa, giảm tương tác trực tiếp với người khác... Việc dành thời gian quá nhiều vào MXH, trong khi thời điểm HS, SV truy cập MXH thường vào lúc nghỉ trưa, hay đêm khuya. Thói quen này sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, rối loạn giấc ngủ, tinh thần uể oải, mệt mỏi, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm...
Cùng với đó, nhiều HS, SV thiếu kiến thức trong việc sử dụng MXH. Bí thư Đoàn Trường Đại học Phạm Văn Đồng Phùng Thị Phương Thảo cho biết, một số HS, SV đưa ra nhận xét, bình luận không đúng, phản cảm trên MXH. Có những trường hợp đưa hình ảnh không phù hợp lên MXH như hình ảnh ăn mặc hở hang, bạo lực... Những hành vi ứng xử không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ trong xã hội và cuộc sống cá nhân. Thông tin cá nhân trên MXH có thể bị đánh cắp để mạo danh làm chuyện trái pháp luật hoặc lừa đảo người thân, bạn bè. Khi chúng ta chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng làm ảnh hưởng đến danh dự đoàn thể, tổ chức, cá nhân, có thể bị phạt tiền, phạt tù. Đây là ảnh hưởng tiêu cực từ MXH nếu người dùng không đủ tỉnh táo, hiểu biết.
Trang bị kỹ năng sử dụng mạng xã hội
Để phát huy lợi ích, hạn chế tác hại của MXH đối với HS, SV, cần có những giải pháp đồng bộ. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường sự kết hợp trong việc quản lý, sử dụng MXH của HS, SV, nâng cao nhận thức cho các em về tính hai mặt của MXH.
Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động để HS, SV có sân chơi bổ ích, giúp các em có cơ hội học tập, thể hiện bản thân, mở rộng mối quan hệ. Có như vậy các em mới giảm thời gian truy cập vào những trò giải trí vô bổ trên MXH, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập. Chị Phùng Thị Phương Thảo lưu ý, HS, SV cần rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian. Các em phải biết giới hạn nội dung truy cập, sử dụng MXH vào mục đích học tập là chủ yếu. Đồng thời, thực hiện bốn không khi sử dụng MXH, đó là không đăng, bình luận dung tục, khiếm nhã; không like, chia sẻ những thông tin xấu; không lạm dụng MXH trong giao tiếp thực; không để những mặt trái của MXH tác động đến hành vi.
Học sinh, SV cần nhận thức được vai trò của MXH, nắm rõ tác động tích cực và tiêu cực của MXH, từ đó có thái độ đúng đắn và hành vi sử dụng phù hợp. Có như vậy, MXH mới thực sự trở thành công cụ hữu ích phục vụ đời sống, nhất là trong việc học tập.
Bài, ảnh:
TRỊNH PHƯƠNG