(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ thực sự lắng nghe con thì cha mẹ mới thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con và trở thành người bạn đồng hành, cùng con vượt qua những bỡ ngỡ, buồn vui, trăn trở trong cuộc sống...
Động viên trẻ bày tỏ tâm tư
Bước sang tuổi 18, em T.V.M, hiện đang là học sinh của một trường THPT ở TP.Quảng Ngãi, được nhiều bạn bè nể phục bởi thành tích học tập xuất sắc. Song, chẳng ai ngờ được rằng, quãng thời gian học lớp 10 và 11, M đã 2 lần có ý định muốn tự sát, với lý do “không tìm thấy được niềm vui để sống”, M bảo.
Cần tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi, hoạt động thể chất để phát triển toàn diện. Ảnh: Ý Thu |
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều trẻ em rơi vào trường hợp như M. Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Thu Trà - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trẻ ở tuổi vị thành niên có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, chưa ổn định về tư duy, cảm xúc và hành vi. Ở lứa tuổi này, trẻ thường dễ gặp sang chấn tâm lý từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân thường gặp là trẻ bị áp lực do mâu thuẫn giữa kỳ vọng của cha mẹ về học tập, định hướng nghề nghiệp, khuôn mẫu của gia đình. Cùng với đó là mâu thuẫn với bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác thể hiện trong việc bị cô lập, bị bắt nạt... Do đó, con trẻ rất cần được lắng nghe, được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu của cha mẹ, người thân trong gia đình. “Sự lắng nghe, quan tâm kịp thời của người lớn, có thể giúp con trẻ tránh được các tình huống đau lòng”, bác sĩ Phạm Thị Thu Trà nhấn mạnh.
Bác sĩ Trà dẫn chứng, bệnh viện từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên V, 17 tuổi. V đến bệnh viện trong tình trạng trầm cảm nặng, biểu hiện ở việc không nói chuyện, không ăn, không uống. Sau 1 tháng điều trị nội trú, chúng tôi tìm hiểu được lý do sâu xa dẫn đến bệnh của V, đó là em mệt mỏi khi nhiều năm phải sống và học tập trong sự kỳ vọng của gia đình là phải học thật giỏi. Hơn nữa, nguyện vọng, sở thích của em thường xuyên không được gia đình thấu hiểu và lắng nghe. Em mong muốn được học ngành này, nhưng gia đình lại ép em phải tập trung học những môn khác để thi vào ngành mà cha mẹ đã chọn. Phụ huynh của em khi nghe chúng tôi nói ra nguyên nhân đều tỏ ra rất bất ngờ. Bởi, phụ huynh nghĩ đây không phải vấn đề to tát. Nhưng với trẻ, tùy vào nội tại và cá tính, có em lại dễ dàng vượt qua, nhưng có em lại rơi vào trạng thái tinh thần suy sụp khi gặp một vấn đề không như mình mong muốn.
Lắng nghe cả khi trẻ chưa lên tiếng
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nhiều phụ huynh nghĩ rằng, tình thương dành cho con là lo cho con cuộc sống vật chất đủ đầy, mà chưa hiểu rằng, đứa trẻ nào cũng mong muốn được cha mẹ dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu và giúp giải đáp, tháo gỡ nhiều khúc mắc, bỡ ngỡ trong cuộc sống. Bởi vốn sống, kinh nghiệm sống của con trẻ chưa nhiều, trong khi mối quan hệ của các em trong xã hội thì càng ngày càng rộng mở.
Rất nhiều phụ huynh tâm sự rằng, muốn lắng nghe con, nhưng không biết phải làm thế nào. Bởi không phải trẻ nào cũng dễ dàng bày tỏ nỗi lòng với người lớn. Thực ra, lắng nghe ở đây không phải là chờ con nói, thì mình mới nghe mà phải lắng nghe cả khi trẻ chưa lên tiếng. Phụ huynh phải để ý biểu hiện của con, những thay đổi của con để quan tâm, hỏi han kịp thời. Phải tạo cơ hội về không gian, thời gian để ngồi cùng con, trò chuyện cùng con. Cùng với đó, khi lắng nghe con trẻ, phụ huynh cũng cần tuân thủ nguyên tắc: Nghe trong tôn trọng và không phán xét, không áp đặt suy nghĩ chủ quan của người lớn vào câu chuyện, mà chỉ nghe để hiểu, để tháo gỡ khúc mắc khi con cần sự trợ giúp. “Cha mẹ có làm bạn cùng con từ lúc con còn nhỏ xíu, có lắng nghe những câu chuyện tưởng chừng nhỏ bé hằng ngày của con, thì khi con lớn dần lên, khi con gặp khúc mắc, buồn phiền về những chuyện lớn lao, con mới tin cậy tìm đến cha mẹ để sẻ chia...”, tiến sĩ Ngọc chia sẻ.
|
Lắng nghe để chia sẻ
Là thành viên của Tổ tư vấn tâm lý học đường của Trường THPT chuyên Lê Khiết (TP.Quảng Ngãi), cô giáo Võ Hồng Noen, giáo viên dạy môn Ngữ văn cho biết, mỗi tuần, Tổ tư vấn “gỡ rối” về tâm lý cho 15 - 20 lượt học sinh. Ngoài việc tư vấn trực tiếp, Tổ còn thực hiện tư vấn qua hộp thư điện tử và điện thoại. Do đó, có nhiều học sinh, vào lúc đêm khuya vẫn nhắn tin vào số điện thoại hoặc qua thư điện tử để xin tư vấn tâm lý. “Tuổi mới lớn, các em luôn có nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ. Ngoài cha mẹ, bạn bè, người thân, các em tìm đến các thầy cô để tâm sự và xin lời khuyên về rất nhiều vấn đề mà các em gặp phải trong cuộc sống, từ những thắc mắc về giới tính cho đến mối quan hệ với bạn bè, với cha mẹ... Thấu hiểu được tâm lý, tình cảm của các em, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng lắng nghe, để thấu hiểu và làm điểm tựa tinh thần khi các em cần”, cô giáo Võ Hồng Noen chia sẻ.
Hạnh phúc khi được ba mẹ thấu hiểu, em Bùi Thiên Ý, học sinh lớp 11 Toán 1, Trường THPT chuyên Lê Khiết bày tỏ, với em, cha mẹ là người đi trước, trải qua những chuyện mà ta chưa trải qua, nên sẽ tư vấn và định hướng được cho mình nhiều điều bổ ích. Vì vậy, em luôn trò chuyện và tham khảo ý kiến của ba mẹ. "Ba mẹ luôn lắng nghe tâm sự của em, kể cả khi em nhờ ba mẹ tư vấn một vấn đề gì đó, ba mẹ luôn hỏi em thích điều gì, muốn làm gì. Chính những chi tiết đó, khiến em thấy ý muốn của bản thân được ba mẹ tôn trọng. Ba mẹ khiến em muốn được trò chuyện cùng ba mẹ", Ý nói.
Chị Bùi Hoàng Giao Linh, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên ngồi trò chuyện, đọc sách cùng con để tạo sự gần gũi cho con. Ảnh: Ý THU |
Chị Vũ Thị Thuận tranh thủ khoảng thời gian đưa, đón con để trò chuyện thật nhiều cùng con. Ảnh: Ý THU |
Ý THU