(Báo Quảng Ngãi)- Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sơn Hà đã có nhiều chuyển biến tích cực.
[links()]
Vừa qua, gia đình em Đ.T.M, ở thôn Tà Mát, xã Sơn Hải, muốn em M đi lấy chồng khi chỉ mới 16 tuổi. Ngay khi biết được thông tin này, cán bộ địa phương đã đến nhà em M để phân tích cho gia đình hiểu, gả con gái lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Không những vậy, tảo hôn còn kéo theo nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai. Với sự kiên trì thuyết phục, cán bộ xã đã giúp gia đình em M hiểu được vấn đề và sửa sai.
Thông qua hội thi sân khấu hóa, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, giúp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện Sơn Hà. |
Thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp cùng với chính quyền huyện Sơn Hà triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giúp người dân hiểu được những hệ lụy từ việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Không chỉ tuyên truyền, tập huấn tại các hội nghị, sinh hoạt khu dân cư, huyện còn tổ chức các hội thi sân khấu hóa về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường THPT trên địa bàn. Trong năm 2022, với sự hỗ trợ của Phòng Dân tộc huyện, Hội LHPN huyện đã triển khai thực hiện mô hình “Chi hội phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ.
Trưởng ban Dân tộc huyện Sơn Hà Đinh Thị Minh Sáng cho biết, cán bộ tư pháp, hội viên phụ nữ, già làng và đội ngũ giáo viên là những người góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các cán bộ, giáo viên luôn bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn trường hợp tảo hôn. Thời gian tới, ngoài nỗ lực tuyên truyền của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, mỗi người dân ở huyện Sơn Hà cần tích cực tìm hiểu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân cận huyết thống cũng như việc tảo hôn. Làm được điều này, sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp cho cuộc sống của đồng bào miền núi được đầy đủ và ấm no hơn.
Bài, ảnh:
K.TRANG