Xe ôm thời công nghệ

10:12, 14/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây hàng thập kỷ, nghề chạy xe ôm cho thu nhập khá. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự tham gia của các phương tiện vận tải công cộng như taxi, xe buýt, cùng các loại hình xe công nghệ xuất hiện, nghề chạy xe ôm truyền thống gặp nhiều khó khăn.
 
Một thời cho thu nhập khá
 
Cách đây hơn chục năm, nghề chạy xe ôm mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều người, nhất là những người trung niên không có nghề nghiệp ổn định. Họ hành nghề tại các bến xe, bệnh viện, ga tàu hay các trạm dừng xe buýt...
 
Ông Trương Văn Lượng đón khách trong ngày mưa.                              ẢNH: xUÂN HIẾU
Ông Trương Văn Lượng đón khách trong ngày mưa. ẢNH: xUÂN HIẾU
Ông Lâm Văn Mạnh (54 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), hành nghề xe ôm tự do ở khu vực khách sạn Central, đường Quang Trung chia sẻ, không kể những ngày nắng gắt hay mưa dầm, gần 10 năm qua, tôi vẫn kiên nhẫn với chiếc xe máy để đón khách. Trước kia, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề làm bánh của tôi, nhưng rồi sức khỏe suy yếu nên tôi bỏ nghề. Trong khoảng thời gian khó khăn ấy, nghề xe ôm đã giúp tôi cải thiện thu nhập cho gia đình. “Nghề xe ôm khi đó còn ít người làm, khách ra vào bến xe, khu vực chờ xe buýt rất nhiều, cánh xe ôm chúng tôi chở khách không hết việc”, ông Mạnh nói. “Vốn liếng” làm nghề của ông chỉ có chiếc xe máy và 2 mũ bảo hiểm, ấy vậy mà thu nhập một ngày có thể lên đến 300 - 400 nghìn đồng. Số tiền kiếm được từ các cuốc xe ôm được ông tích cóp, đủ để nuôi 2 con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình.
 
Tuy nhiên, thời "vàng son" của nghề chạy xe ôm đến nay đã không còn, khi các tài xế đang phải đối mặt với xe công nghệ. Có người bắt kịp xu thế thì chuyển sang làm xe ôm công nghệ. Nhưng có không ít người vẫn quyết bám trụ với cách hành nghề như cũ, dẫu biết tương lai của nghề này chẳng tươi sáng gì.
 
Chật vật theo nghề
 
Những ngày qua, trời mưa như trút, ông Mạnh đứng trú nhờ trong góc quán cà phê, hướng ánh nhìn ra đường phố trắng xóa nước, thở dài bảo, giờ người đi xe có nhiều lựa chọn như taxi, xe buýt, nay còn có thêm xe công nghệ hoạt động, cạnh tranh đón, đưa khách, nên lượng khách cũng vơi dần. Bây giờ, mỗi ngày kiếm được 200 nghìn cũng khó...
 
Trước đây, nhóm xe ôm ở khu vực khách sạn Central có tới 9 người, sau thời gian dịch bệnh, nay chỉ còn lại 3 người bám trụ. “Làm xe ôm bây giờ khó khăn quá nên mấy người khác đổi nghề hết rồi, người thì vào Sài Gòn tìm việc, người đi làm bảo vệ cho các công ty, xí nghiệp. Sức khỏe tôi không thể làm việc khác nên vẫn phải gắn bó với nghề này thôi, dù có hôm cả ngày cũng chỉ lèo tèo vài cuốc xe”, ông Mạnh nói buồn.
 
Trải qua biết bao cung đường với nắng gió, đã khiến ông Trương Văn Lượng, tài xế xe ôm "cắm chốt" tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, đường Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi) nhuốm vẻ phong trần ở tuổi 60. Ông Lượng trải lòng, trước đây, vợ chồng tôi vào Nam mưu sinh, nhưng cách đây 5 năm, sau khi cha và vợ chồng người em trai mất, tôi và vợ quyết định về quê để chăm sóc mẹ già và 2 đứa cháu nhỏ. Tuổi lớn, không tìm được việc gì phù hợp nên tôi quyết định chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Nhưng 5 năm gắn bó với nghề thì mất 2 năm tôi phải chật vật vì dịch Covid-19. Năm nay có thể làm việc bình thường, thì những người chạy xe ôm truyền thống như tôi lại phải cạnh tranh với cánh xe ôm công nghệ.
 
Ông Lượng bảo, xe Grab chỉ mới hoạt động ở Quảng Ngãi từ cuối năm 2021, nhưng hút khách lắm. Biết vậy, nhưng tôi lớn tuổi rồi, lại không quen dùng điện thoại thông minh nên không thể chạy xe công nghệ được. Thôi thì cố gắng làm, đến khi nào khách không còn nữa thì nghỉ vậy...
 
Dẫu khó khăn, vất vả là thế, nhưng những tài xế xe ôm truyền thống vẫn đang cố gắng từng ngày, chọn góc phố, bến xe để đón, đưa những khách đường xa, kiếm thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.
 
XUÂN HIẾU
 
 
 

.