Đưa hương mạch nha bay xa

04:06, 04/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thị trường bánh kẹo ngày càng đa dạng khiến kẹo mạch nha truyền thống ở huyện Mộ Đức dần mất đi chỗ đứng. Tuy vậy, với tình yêu nghề, bà Trần Thị Kim Hồng (60 tuổi), ở thôn Phước Luông, xã Đức Hòa, vẫn luôn giữ nghề làm mạch nha truyền thống, đưa đặc sản của quê hương đến nhiều nơi trong cả nước.
 
[links()]
 
Quê hương Quảng Ngãi nổi tiếng một thời với nghề làm mạch nha, chủ yếu ở các xã Đức Thạnh, Đức Tân, Đức Hòa (Mộ Đức)... Mạch nha trở thành đặc sản và đi vào câu ca xưa: "Chim mía Thu Phổ/ Cá bống sông Trà/ Kẹo gương Thu Xà/ Mạch nha Thi Phổ". Nổi tiếng là vậy, tuy nhiên hiện nay nghề làm mạch nha mang lại lợi nhuận không cao nên không còn nhiều người gắn bó với nghề. 
 
 Mộng lúa được phơi khô trước khi dùng để làm mạch nha. Ảnh: N.Viên
Mộng lúa được phơi khô trước khi dùng để làm mạch nha. Ảnh: N.Viên
Để duy trì nghề truyền thống của tổ tiên, gần 50 năm qua, bà Trần Thị Kim Hồng, ở thôn Phước Luông, xã Đức Hòa, vẫn gắn bó với nghề. Bà Hồng cho hay, tôi là đời thứ ba trong gia đình theo nghề làm mạch nha. Khi 10 tuổi, tôi đã phụ mẹ làm mạch nha, mang đi bán khắp các chợ trong huyện. Làm mạch nha không nặng mà nhọc, phải dậy từ 5 giờ sáng, cặm cụi với công việc chế biến đến tận 10 giờ đêm mới cho ra lò những mẻ mạch nha thơm ngon.
 
Nguyên liệu để chế biến mạch nha là gạo nếp và mộng lúa, hoàn toàn tự nhiên nên được nhiều người ưa chuộng. Hơn chục năm về trước, những hũ mạch nha được các gia đình chọn mua làm quà sính lễ trong các ngày trọng đại như đính hôn, thành hôn... Chính vì thế, mạch nha bán rất chạy. Bà Hồng chia sẻ, người dân quan niệm rằng, mạch nha đặc quánh sẽ giúp các cặp uyên ương gắn kết bền chặt cho đến trọn đời. Thời đó, mạch nha làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Đời sống của những gia đình theo nghề làm mạch nha cũng nhờ đó mà ổn định, khấm khá. 
 
Trải qua bao thăng trầm với nghề, có thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhưng vợ chồng bà Hồng vẫn quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. Tháng 7/2020, sản phẩm mạch nha Kim Hồng của gia đình bà Hồng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây  là “quả ngọt” đối với gia đình đã ba đời gắn bó với nghề này. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất mạch nha của gia đình bà Hồng cung ứng ra thị trường trên 1.000 lon  và khoảng 500 hũ mạch nha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở huyện Mộ Đức, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Bình Định, TP.Hồ Chí Minh... Thời gian tới, cơ sở sản xuất mạch nha Kim Hồng sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm mạch nha phát triển hơn nữa.
 
Sản phẩm mạch nha Kim Hồng.                                 Ảnh: N.Viên
Sản phẩm mạch nha Kim Hồng. Ảnh: N.Viên
Trong những năm qua, huyện Mộ Đức đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm truyền thống, trong đó có mạch nha Kim Hồng. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, mạch nha Kim Hồng là một trong những sản phẩm nổi tiếng ở địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP, trong những năm qua, huyện đã hỗ trợ việc hình thành nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu, thành lập cửa hàng để tiêu thụ sản phẩm OCOP... Qua đó, giúp các sản phẩm ở địa phương tiêu thụ mạnh hơn, tạo động lực cho người sản xuất.
 
NGỌC VIÊN
 
 
 
 

.