Ba thập kỷ gắn bó với nghề làm mì sợi

07:05, 24/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ nghề làm mì sợi tươi, hơn 30 năm qua, gia đình ông Phạm Chi (55 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã có thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
 
Lúc mới bắt đầu nghề làm mì sợi, gia đình ông Chi làm thủ công bằng tay. Cách làm này tốn rất nhiều công sức, sợi mì không đều. Sau một thời gian, ông chuyển qua làm sợi mì bằng máy. Ông Chi chia sẻ, làm bằng máy có thể chế biến được nhiều loại sản phẩm chất lượng hơn như bánh canh bột, mì tươi, sợi phở, bánh ướt... lại ít tốn công sức, tiết kiệm thời gian, năng suất cao. Từ khi sản xuất bằng máy, mỗi ngày gia đình tôi làm được 200kg gạo, cho ra thành phẩm khoảng 400kg mì, sợi phở và bánh ướt. 
 
Ông Phạm Chi (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mì sợi tươi với cán bộ Hội Nông dân thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).
Ông Phạm Chi (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mì sợi tươi với cán bộ Hội Nông dân thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).
Sản phẩm mì ở cơ sở gia đình ông Chi chỉ làm từ gạo pha thêm ít bột mì để tạo độ dẻo và bột nghệ để lên màu. Để sợi mì thơm ngon, ông Chi chỉ thu mua gạo của những hộ nông dân ở địa phương.
 
“Đối với tôi, tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi thực phẩm cơ sở mình làm ra hợp vệ sinh thì mới được nhiều người tin dùng. Tôi luôn chú trọng đến sức khỏe của khách hàng. Từ khâu ngâm gạo đến khi cho ra được sợi mì, tất cả phải đảm bảo vệ sinh”, ông Chi nói.
 
Với nghề làm mì sợi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của ông Chi còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động ở địa phương, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
 
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Châu Ổ Huỳnh Thị Thùy Nhung cho biết, cơ sở làm mì sợi tươi của ông Chi đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vào nghề này mà gia đình ông Chi có thu nhập khá và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
 
Bài, ảnh: KIM TRANG
 
 
 

.