Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho đến nay, có 19 quốc gia đạt thỏa thuận công nhận Hộ chiếu vaccine với Việt Nam.
(Ảnh minh họa) |
“Như chúng tôi đã trả lời ở họp báo trước, hiện nay Việt Nam đã đạt được thỏa thuận công nhận Hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, thêm một số nước nữa như Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Chúng tôi cũng thông tin thêm đến các quý vị phóng viên, mới đây ngày 4/4, Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp hộ chiếu vaccine của Việt Nam, dự kiến ngày 15/4, sẽ cấp hộ chiếu vaccine cho người dân”.
Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… Hộ chiếu vaccine nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.
Hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại.
Người mang Hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Trước đó, ngày 4/4, tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai cấp Hộ chiếu vaccine, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, đến nay, các hệ thống đã sẵn sàng triển khai cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân.
Quy trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận "hộ chiếu vaccine".
Dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vaccine được gắn 1 mã code.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp "hộ chiếu vaccine". Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Hộ chiếu vaccine cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
|
Theo T.LINH/Nhandan.vn