(Báo Quảng Ngãi)- Sau 40 năm tái lập (24/8/1981 - 24/8/2021), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Long đã chung sức, đồng lòng vượt khó, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa và quốc phòng - an ninh...
[links()]
Khởi đầu trong gian khó, nhưng đến nay, sau 40 năm, huyện Minh Long có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,02%/năm; 2/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 8/15 trường và 4/5 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. So với năm 1981, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 90% xuống còn 10,65%; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 100 lần (từ 350 nghìn đồng/người/năm lên trên 35 triệu đồng/người/năm)...
Cơ sở hạ tầng khởi sắc
Nguyên Bí thư Huyện ủy Minh Long Đinh Thị Biểu cho rằng, 40 năm trước, không ai có thể tin huyện Minh Long sẽ có được diện mạo như ngày hôm nay. Năm 1981, sau khi tách ra từ huyện Nghĩa Minh, cùng với niềm vui trở lại tên gọi đã có từ lâu đời - huyện Minh Long, thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không đường, không điện, trường học tạm bợ, làm bằng tranh tre nứa lá, người dân bữa đói bữa no, tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 90%, nên có thời điểm tỉnh phải cấp 15 tấn lương thực để cứu đói...
Sau 40 năm tái lập huyện, cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn huyện Minh Long được đầu tư xây dựng khang trang. |
Một trong những điểm nhấn của huyện Minh Long là chương trình kiên cố trường lớp học. Sau ngày tái lập huyện, tỷ lệ người dân mù chữ chiếm trên 80%, nên cùng với việc xóa đói giảm nghèo, thì xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Long. Quá trình xóa trường tranh tre, nứa lá đến kiên cố trường lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhằm nâng cao dân trí là cả sự nỗ lực và phấn đấu của huyện. Trong giai đoạn 2015 - 2020, từ nguồn kinh phí trên 109,5 tỷ đồng của các Chương trình 30a, Trái phiếu Chính phủ đến vốn hỗ trợ có mục tiêu của tỉnh và địa phương... huyện đã đầu tư 37 công trình trường lớp học. Vì vậy, đến nay huyện Minh Long không còn phòng học nhờ, học tạm; 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học và 3 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Với cơ sở vật chất khang trang và trang thiết bị đầy đủ, cảnh quang trường học xanh - sạch - đẹp, thân thiện... đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Minh Long lần thứ XIX đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, sẽ đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 7 - 7,5%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%/năm; thêm 1 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế từ 6,5 - 7%/năm... |
Đời sống người dân được nâng lên
Những ngày cuối tháng Tám, không khí ở Thanh An, xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 khá nhộn nhịp, tất bật; các tuyến đường sạch đẹp, cờ hoa phấp phới. “Lúa được mùa, keo, chè được giá; cùng với đó là kỷ niệm 40 năm tái lập huyện, nên người dân rất phấn khởi”, Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Ê Hoàng cho biết. Chính vì vậy, cùng với việc tập trung thu hoạch mùa màng, người dân xã Thanh An còn tổ chức ra quân vệ sinh đường sá, dọn dẹp vườn nhà và treo cờ Tổ quốc trước cổng nhà.
Để có được niềm vui trên, chính quyền và nhân dân xã Thanh An đã nỗ lực, đồng lòng và tích cực hưởng ứng thực hiện các tiêu chí NTM, gắn với thực hiện có hiệu quả các Chương trình 30a, chương trình phát triển vùng... Dù cuộc sống khó khăn, thu nhập còn thấp, nhưng nhiều năm qua, người dân trong xã vẫn động viên nhau hiến đất, góp công làm đường giao thông, kênh mương, trồng cây xanh và chủ động trong việc phát triển kinh tế gia đình. “Được nhà nước hỗ trợ tiền làm đường, cây con giống, bảo hiểm y tế để phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, người dân rất vui. Vì vậy, mình phải lo làm ăn để có thu nhập, thoát nghèo, không thể trông chờ vào Nhà nước”, ông Đinh Ngun, ở thôn Côn Loan, xã Thanh An, bộc bạch.
Thanh long ruột đỏ phát triển trên địa bàn huyện Minh Long. |
Còn tại xã Long Sơn, địa phương đầu tiên đạt chuẩn NTM của huyện Minh Long (cuối năm 2019 - PV), ngoài cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang và hoàn thiện, thành tựu của xã Long Sơn chính là đã xây dựng và phát triển nhiều cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những hướng phát triển đang được người dân xã Long Sơn quan tâm là trồng cây ăn quả. Không chỉ tạo thu nhập ổn định, bền vững, mà việc trồng cây ăn quả còn giúp thay đổi suy nghĩ của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây keo ở khu vực gò đồi thấp. Từ nguồn vốn các chương trình xây dựng NTM, 135, 30a... huyện Minh Long đã đầu tư, hỗ trợ cho xã Long Sơn nói riêng, các địa phương trên địa bàn huyện nói chung tập trung xây dựng và chuyển giao các mô hình, dự án sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp; trọng tâm là cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
“Những thành tựu đạt được trong 40 năm qua sẽ là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện vững tin bước vào chặng đường mới. Huyện sẽ tiếp tục phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực để phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, giao thông và đô thị, xây dựng công trình phục vụ dân sinh... nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ HOA