Niềm vui an cư ở Nà Tà Kót

03:11, 25/11/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Sau bao nhiêu năm sống trong vùng sạt lở nguy hiểm, cách đây gần một năm, gần 50 hộ dân ở thôn Trà Khương, xã Trà Lâm (Trà Bồng) đã được di dời sang khu tái định cư (TĐC) mới. Niềm vui an cư là động lực để người dân nơi đây lạc nghiệp. 

[links()]

An cư nơi phố núi

Chúng tôi có dịp trở lại xã Trà Lâm (Trà Bồng) vào những ngày sau khi bão lũ đi qua. Di chuyển theo con đường bê tông mới tới khu TDC Nà Tà Kót, thôn Trà Khương (Trà Lâm), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những đổi thay nhanh chóng nơi đây. Khoảng hơn một năm trước, nơi đây chỉ là bãi đất trống bỏ hoang, thì nay là một khu TĐC đẹp như tranh vẽ, với  những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, khang trang, kiên cố nằm san sát nhau, phía sau là thác nước Con Lan tuyệt đẹp chẳng kém gì một "khu phố" sấm uất.

ggggg
Một góc khu TĐC Nà Tà Kót hôm nay.

Còn nhớ, đợt mưa lũ lịch sử gần đây nhất vào đầu tháng 12 năm 2019, đã làm núi Cà Zút tại đoạn Km3 thuộc tuyến đường Trà Lâm – Trà Hiệp, qua thôn Trà Khương, xã Trà Lâm (Trà Bồng) lở xuống. Toàn bộ tuyến đường Trà Lâm – Trà Hiệp bị chia cắt, cô lập hoàn toàn 50 hộ dân phía trong khu dân cư. Dù không thiệt hại về người nhưng nhiều ngôi nhà đã bị vùi lấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sản xuất của người dân nơi đây. Bên cạnh khắc phục những rủi ro thiên tai trước mắt, tỉnh, huyện và xã đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp khả thi trong việc hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở an toàn. 

Cuối năm 2019, toàn bộ 49 hộ dân xóm 1, 2, 3 thôn Trà Khương được chuyển tới khu TĐC Nà Tà Kót để ổn định cuộc sống, kèm theo những chính sách về cấp đất, đầu tư điện, nước miễn phí. Khu ở mới chỉ cách nơi ở cũ khoảng 1km nên khá thuận tiện cho người dân quay về canh tác sản xuất. phát triển kinh tế. 

Chúng tôi tới thăm gia đình chị Hồ Thị Lợt, một trong những hộ điển hình của thôn trong phát triển kinh tế. Chị Lợi cho biết: “Trước đây, ở xóm cũ, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, luôn phải sống trong sự lo lắng bởi nguy cơ sạt lở và lũ quét, thiếu thốn nước sạch, điện lười, đường giao thông đi lại khó khăn. Từ khi chuyển đến nơi ở mới được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt cấp riêng cho từng hộ gia đình, đường bê tông nối ra tận rẫy, tiện lắm. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình cũng dư được 30-35 triệu đồng”. 

 

Đây là vụ thu hoạch keo đầu tiên của gia đình chị Hồ Thị Lợt trên đất rẫy gần nơi ở mới.
Đây là vụ thu hoạch keo đầu tiên mang lại lợi nhuận cao của gia đình chị Hồ Thị Lợt ở nơi ở mới.

 

Với những nỗ lực của chính quyền và người dân, giờ đây, khu TĐC Nà Tà Kót thôn Trà Khương, xã Trà Lâm với 49 hộ dân là người dân tộc Hre sinh sống đã cơ bản thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.Theo thống kê của xã, năm 2019 khu TĐC Nà Tà Kót đã có 17 hộ vươn lên thoát nghèo, 6 hộ cận nghèo. 

Chủ tịch UBND xã Trà Lâm Trương Công Lâm, cho biết: “Người dân các xóm 1, 2, 5, thuộc thôn Trà Khương, xã Trà Lâm giờ không còn phải lo lắng mỗi khi mưa lũ. Có nơi ở mới ổn định, người dân đã yên tâm phát triển làm kinh tế; nhiều hộ đã phát triển trồng keo, quế với diện tích lớn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, xã tiếp tục hướng cho các hộ ở đây phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất”. 

Vui nhưng lo

Nỗi lo bị sạt lở núi, lũ ống, lũ quét đe dọa trực tiếp đến nơi ở đã vơi đi nhưng niềm vui ở nơi ở mới vẫn chưa trọn vẹn. Khi mà khu TĐC Nà Tà Kót do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 2ha, được xây dựng chia làm 3 cụm với kết cấu theo ruộng bậc thang. Sau một thời gian đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập.
 
Theo người dân, với cách bố trí nhà ở sát nhau, lại phân bố từ cao xuống thấp nên giao thông nội vùng của người dân gặp nhiều khó khăn. Những con được xi măng dốc quá cao, nên việc con em đi lại hay bị ngã là thường xuyên xảy ra. Thậm chí, nhiều nhà dân ở trên cao không thể đi xe máy về tận nhà, mà phải gửi ở nhà dân phía dưới.
 
 
Chưa có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, gây bất tiện, ô nhiễm môi trường
Chưa có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, người dân trong khu TĐC phải sống trong môi trường ô nhiễm.
 
Không có hệ thống xử lý nước thải là nỗi lo bấy lâu nay của người dân sinh sống tại khu tái định cư. Khi nước thải từ những ngôi nhà trên cao xả thẳng xuống phía dưới, gây mùi hôi thối, nhất là vào những ngày nắng nóng. Chị Hồ Thị Lợt, cho biết: “Từ khi về ở đây, nước thải sinh hoạt của gia đình tôi không biết phải xử lý như thế nào. Dù biết là xả thẳng nước thải tràn xuống phía dưới, sẽ gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của những nhà phía dưới, nhưng không không còn cách nào khác. Không có rãnh thoát nước ngang, dọc nên nước thải ra cứ chảy xuống dưới”.
 
Không những thế, sau cơn bão số 9 vừa qua, hệ thống cấp nước sinh hoạt trong khu TĐC Nà Tà Kót đã bị hư hỏng nặng. Nhiều ngày qua, nhiều hộ dân trong khu TĐC đã tự đóng góp tiền đấu nối đường ống để dẫn nước về nhà. Dù người dân nơi đây cho rằng, lúc mới đưa vào sử dụng, hệ thống cấp nước sinh hoạt trong khu TĐC Nà Tà Kót đã xuất hiện nhiều bất cập. Nhiều khu vực trên cao nước không đến được, các gia đình ở trên cao phải xuống phía dưới xách nước về dùng. 
 
Ngoài ra, công trình nhà ở của dân do xây dựng có nhiều điểm chưa hợp lý, nên mưa xuống là nước chảy tràn từ mái vào trong nhà; tường nhà hầu hết đều bị thấm nước mưa.
 
Rõ ràng, sau một thời gian ngắn sinh sống, hạ tầng kỹ thuật ở khu TĐC Nà Tà Kót đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho người dân. Do đó, chúng tôi mong muốn chủ đầu tư quan tâm đến những bất cập tại khu TĐC Nà Tà Kót để nhanh chóng có phương án khắc phục, giúp người dân yên tâm sinh sống”, Chủ tịch UBND xã Trà Lâm Trương Công Lâm, chia sẻ.

 

Bài, ảnh: Thủy Tiên

 

.