(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm triển khai trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề và thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gắn bó với nghề làm bánh tráng trên 30 năm, nhưng do làm theo phương pháp thủ công, nên công việc tráng bánh hằng ngày của gia đình ông Trần Trung Tín, thôn Hà Tây, xã Tịnh Hà thường bắt đầu từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Tuy vất vả cả ngày, nhưng ông Tín chỉ tráng được 30kg gạo, vì vậy cũng chỉ lấy công làm lời.
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm giúp gia đình chị Nguyễn Thị Minh Trinh, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) mở rộng cơ sở may gia công tại nhà, nâng cao thu nhập. |
Nhận thấy việc làm bánh tráng thủ công tốn nhiều công sức, năng suất thấp, năm 2019, ông Tín quyết định vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh để đầu tư máy tráng bánh tráng. Từ khi đưa máy móc vào sản xuất, gia đình ông Tín không còn phải dậy sớm mỗi ngày, nhưng năng suất vẫn tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, nhờ không sử dụng than trong quá trình làm bánh, không khí đỡ ngột ngạt, chất lượng cuộc sống gia đình ông Tín được nâng lên đáng kể.
Ông Tín chia sẻ: “Sản xuất bánh tráng bằng máy trong một giờ có thể tráng được 1 tạ gạo, nên lợi nhuận cao hơn nhiều. Thời gian rảnh còn lại tôi có thể nghỉ ngơi, hoặc làm công việc khác để có thêm thu nhập”.
Còn chị Nguyễn Thị Minh Trinh, thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, do ruộng đất ít, nên chị đã tìm đến nghề may nhằm để có thêm thu nhập. Để đầu tư máy móc, nguyên liệu đầu vào, chị Trinh đã vay vốn ở các ngân hàng thương mại, nhưng vì lãi suất cao, nên thu nhập không đáng kể. Năm 2017, từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh, chị Trinh đã vay 50 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi để đầu tư mua thêm máy móc.
Nhờ chịu khó trong việc tìm kiếm các đơn hàng, nên đến nay, bạn hàng của chị ngày một nhiều hơn. Để có hàng làm liên tục, đảm bảo thu nhập thường xuyên cho gia đình và giữ chân được lao động, ngoài nhận may đồng phục học sinh, may quần áo theo nhu cầu, chị Trinh còn kết nối với các công ty may để nhận hàng may gia công, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương. “Vốn vay phù hợp, lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn mà không phải thế chấp tài sản đã tạo thuận lợi cho gia đình tôi phát triển kinh tế.
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh Nguyễn Hoàng Sơn cho biết: Những năm qua, cùng với nguồn vốn của tỉnh hơn 10,7 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh đã nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trên 3,8 tỷ đồng, cho vay tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 123 của Chính phủ, năm 2014, huyện Sơn Tịnh chỉ còn lại 11 xã với điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp tăng cao. Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, huyện Sơn Tịnh rất cần các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, để người dân mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương, góp phần đưa Sơn Tịnh sớm trở thành huyện nông thôn mới.
Bài, ảnh: HỒNG HOA