(Báo Quảng Ngãi)- Cháy nổ tàu cá gây ra những tổn thất lớn về tài sản, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng ngư dân, nhưng phần lớn các chủ tàu vẫn còn chủ quan.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngư dân còn chủ quan
Hằng năm, trên địa bàn tỉnh đều xảy ra các vụ cháy nổ tàu cá, gây thiệt hại nặng về tài sản của ngư dân (rất may chưa có thiệt hại về người). Như cuối tháng 1.2020, khi đang neo tại khu vực cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông (Bình Sơn), tàu cá công suất 600CV của ngư dân Đoàn Ngọc Nhi bốc cháy, gây thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Trước đó, cuối tháng 8.2019, tàu cá của ngư dân Nguyễn Đình Hiệp, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng bốc cháy tại khu vực cầu Trà Bồng (Bình Sơn).
Vụ cháy không chỉ gây thiệt hại về tài sản của ông Hiệp (trên 3 tỷ đồng), mà còn làm hư hỏng hệ thống điện, nước, khiến hơn 10 nghìn nhân khẩu ở các xã Bình Chánh, Bình Thạnh (Bình Sơn) và cán bộ, công nhân ở khu công nghiệp phía tây Dung Quất bị mất nước sinh hoạt...
Nguy cơ xảy ra cháy nổ trên tàu cá là rất lớn. |
Theo các đơn vị chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ tàu cá, nhưng cốt lõi vẫn là do ngư dân bất cẩn, chủ quan trong quá trình vận hành các trang thiết bị trên tàu. Mặc dù các tàu cá đều có nhiều nhiên liệu, nguyên liệu, ngư cụ và vật dụng dễ cháy như: Dầu diesel, bình gas, ván gỗ, thùng xốp... nhưng hệ thống điện trên tàu rất sơ sài, thậm chí dây điện bị bong tróc, không đảm bảo an toàn; bình gas, bình ắc quy để lộ thiên...
Trong khi đó, các loại thiết bị và dụng cụ phục vụ công tác phòng, chống cháy nổ như: Hệ thống bơm, bình chữa cháy, thùng cát... được trang bị chỉ để đối phó với cơ quan chức năng, chứ không đảm bảo an toàn, thậm chí hư hỏng.
“Tôi thường nhắc nhở bạn tàu cẩn thận trong quá trình nấu nướng và cũng dự phòng mấy bình chữa cháy. Nhưng tàu chứa nhiều dầu, nếu rủi ro xảy ra cháy nổ thì chấp nhận thiệt hại, chứ dụng cụ và bình chữa cháy trên tàu cũng chẳng có tác dụng gì”, ngư dân Trần U, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Cần đầu tư trang thiết bị
Thời gian qua, công tác kiểm tra phòng, chống cháy nổ tàu cá vẫn còn lỏng lẻo. Bởi hạng mục phòng, chống cháy nổ được thực hiện mỗi năm chỉ một lần (kèm với công tác đăng kiểm tàu cá) và cũng chỉ căn cứ vào hạn sử dụng của dụng cụ và trang thiết bị! Còn tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh (trừ cảng Mỹ Á), cũng chưa được trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy, dù lượng tàu thuyền xuất nhập cảng cũng như neo đậu hàng ngày khá lớn.
“Chúng tôi cố gắng sắp xếp, bố trí tàu thuyền neo đậu hợp lý; đồng thời tuyên truyền, động viên ngư dân thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, bình gas... để kịp thời phát hiện và xử lý những hư hỏng, hạn chế thấp nhất tai nạn cháy nổ”, Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết.
Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí vốn đầu tư dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cảng cá và tăng cường công tác tuyên truyền cho chủ tàu cá, ngư dân hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng của việc trang bị đầy đủ các thiết bị bảo đảm an toàn cho người và tàu cá... Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh cũng kiến nghị các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập phòng, chống cháy nổ cho ngư dân; cũng như tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết không cho tàu xuất bến, khi chưa bảo đảm đủ điều kiện an toàn về phòng, chống cháy nổ.
Khó cứu nạn
Ghi nhận trên thực tế, khi tàu cá xảy ra sự cố cháy nổ, công tác cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Như thời điểm xảy ra vụ cháy tàu cá của ngư dân Nguyễn Đình Hiệp, ngoài bình gas, trên tàu có trên 12 nghìn lít dầu diesel. Vì vậy, đám cháy bùng phát dữ dội, nên phải sau hơn 2 tiếng đồng hồ, ngọn lửa mới được khống chế.
|
Bài, ảnh: MỸ HOA