(Báo Quảng Ngãi)- Lựa chọn chủ đề “Chung tay bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em”, với các thông điệp truyền thông ý nghĩa, như: “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em”, “An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ”; “Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em”... Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 góp phần lan tỏa, vận động các tổ chức, gia đình và cộng đồng cùng tích cực vào cuộc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trẻ em đối diện nhiều nguy cơ
Toàn tỉnh hiện có trên 332 nghìn trẻ em, trong đó có trên 12.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây, quyền trẻ em, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em ngày càng được quan tâm. Tuy vậy, các em vẫn còn đối diện với nhiều nguy cơ như: Bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, xâm hại trẻ em... Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 49 trẻ em bị xâm hại; trong đó, 10 em bị bạo lực, 32 em bị xâm hại tình dục.
Mặc dù số trẻ em bị xâm hại giảm so với giai đoạn trước (giai đoạn 2011 - 2015 có 71 trẻ em bị xâm hại), nhưng tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn. Một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé chỉ mới 3 - 4 tuổi.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. |
Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đỗ Tiến Tân cho biết: Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục.
Cùng với đó, nhiều gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế, hoặc bố mẹ ly thân, ly hôn, dẫn đến sao nhãng, bỏ mặc trẻ em. Đó là mầm mống dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Đáng chú ý, môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, như: Ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm... Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống.
Giúp trẻ tăng cường "sức đề kháng"
Trẻ em mồ côi được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. |
Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa tổ chức giám sát cấp cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 26.5.2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em...
Vì vậy, việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và thực hiện chính sách pháp luật, trong đó, xử lý nghiêm đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Không chỉ vậy, cần đổi mới căn bản công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em... để trẻ sớm biết cách phòng ngừa, “đề kháng” với những tác động không tốt từ bên ngoài.
Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hương chia sẻ: Bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một cấp, ngành mà cần trách nhiệm cụ thể và sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân.
Để các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em gắn với các chương trình hành động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 thiết thực, ý nghĩa, cá nhân, tổ chức, các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng cần chung tay quan tâm và thực hiện tiếp nhận, quản lý, giám sát trẻ em và tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột sức lao động...
Bài, ảnh: VŨ YẾN