Chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em

09:03, 31/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp. Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với trẻ. Xã hội cần đấu tranh quyết liệt với tệ nạn này và nhà trường, gia đình cần nâng cao nhận thức của trẻ trong việc tự bảo vệ mình.

TIN LIÊN QUAN

Những con số đau lòng

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 5 năm qua (2013 - 2018), trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm có từ 7 - 15 trẻ bị xâm hại. Như năm 2016 có 14 trẻ, năm 2017 có 8 trẻ và năm 2018 có 7 trẻ bị xâm hại. Trong đó, hành vi xâm hại tình dục là chủ yếu.

Những con số thống kê trên chỉ là những vụ việc bị phát hiện, điều tra. Bởi đa phần khi bị xâm hại trẻ không ý thức được hoặc không dám chia sẻ. Mặt khác, do mặc cảm nên gia đình các em cũng không tố giác.

 Phòng, chống xâm hại trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội. (Ảnh minh họa)
Phòng, chống xâm hại trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội. (Ảnh minh họa)


Qua các vụ việc xâm hại tình dục bị điều tra, khởi tố, thì các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người quen biết với các thành viên trong gia đình. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình... để dụ dỗ, đe dọa nhằm thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Xuân Sâm, hầu hết trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, kể cả những trẻ sống trong gia đình khó khăn hay gia đình khá giả. Chính vì thế, để phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc có thể xảy ra, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó.

Trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH, ngành GD&ĐT, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã tích cực tổ chức những buổi tập huấn, diễn đàn, tuyên truyền pháp luật liên quan đến các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như: Diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em... Đồng thời, các đơn vị còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy các kỹ năng giúp các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong những tình huống khi bị xâm hại.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho biết: "Từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã thành lập mô hình “Chung tay cùng trẻ em khó khăn, bị xâm hại”. Chúng tôi đã trực tiếp đến thăm, động viên nhiều gia đình có trẻ là nạn nhân bị xâm hại, nhưng việc tiếp cận gia đình các cháu rất khó khăn. Trong thời gian đến, Hội sẽ cố gắng dùng nhiều phương pháp để tiếp cận, gần gũi với những cháu, gia đình có nạn nhân bị xâm hại. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư".

Trước thực trạng xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, mà là trách nhiệm chung của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò là trọng tâm.

Dạy trẻ biết "tự phòng vệ"

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Xuân Sâm nhấn mạnh: Cha mẹ phải thường xuyên quan tâm và để mắt đến con trẻ để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý. Đặc biệt, dạy và hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng phòng, tránh xâm hại tình dục. Cần sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống bất thường và cách xử lý. Trong trường hợp xấu nhất, trẻ em phải gọi điện cho gia đình, người thân hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

 


Bài, ảnh: HIỀN THU



 


.